Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Năm, 8 tháng 8, 2013

CHƯƠNG 5:HÒA BÌNH (tiếp theo)

Lồng ruột             
    Tôi ở nhà nuôi con bốn tháng theo tiêu chuẩn nghỉ đẻ, rồi đi làm và cháu ở nhà với bà me. Cháu phát triển rất tốt, khỏe mạnh hồng hào, cứng cáp, mới gần năm tháng đã suốt ngày đứng thẳng trên đôi chân nhảy lên nhún xuống cười tít mắt. Cơ quan bố trí tôi vào trường dạy để buổi chiều có thể về nhà với con. Một lần, đêm khuya rồi, tôi thấy bé cứ trằn trọc không ngủ, miệng rên rên khe khẽ, và có vẻ quấy hơn mọi khi. Nhưng bé vẫn bú mẹ bình thường. Sáng ra, nguyên tình trạng như vậy, nhưng vì có bà me trông đỡ nên có giờ dạy buổi sáng tôi vẫn vào trường. Trong khi dạy, tôi nóng lòng mong hết giờ về xem con có sao không. Về nhà là trưa rồi, tôi cho con bú, nó bú khỏe, nhưng bú xong nôn ngay. Tôi giở thay tã thì thấy vết máu nhỏ. Tôi hỏi bà khi sáng đến giờ có vậy không (nôn và máu) thì bà bảo không sao, bé vẫn ngoan, chỉ rên ư ử khe khẽ không đáng kể. Tôi cho bú lại, vẫn thế, cháu bú rồi nôn ngay.Tôi tái mặt, nhớ ngay một chuyện khi cháu hai tháng tuổi. Đấy là tôi có thói quen, vừa cho con bú vừa đọc những quyển sách nhỏ về bệnh tật của trẻ, hoặc khi bé khác thường là giở ngay một quyển từ điển y học nhi khoa (mượn của anh rể họ ở bên cạnh) để tra và theo dõi ngầm. Lần ấy, tôi tình cờ đọc được một bài nói về bệnh lồng ruột. Bệnh thường xảy ra với cháu trai bụ bẫm chừng năm tháng tuổi. Nếu cháu bụ bẫm mà hoạt động quá, hay nhảy.thì dễ bị bệnh, tức là đoạn ruột non chui vào trong ruột già, chỗ chúng tiếp giáp nhau, gây ứ tắc phân và không cấp cứu kịp sẽ tử vong sau 48 giờ kể từ khi mắc bệnh. Tôi nhìn cháu đang bú, cười và nựng “Này con trai ơi, con liệu hồn đấy nhé, bây giờ con đang bụ bẫm, đến khi năm tháng con chắc vẫn bụ đấy, con mà hoạt động nhiều coi chừng lồng ruột hết hơi đó”. Thì bây giờ cháu đang năm tháng tuổi và bất thường đây, có gì liên quan đến lồng ruột không nhỉ. Tôi tra sách một lần nữa, đọc kĩ hơn và trong tôi hình thành ý nghĩ hết sức rõ ràng về việc cháu bị lồng ruột. Tôi nhẩm tính, muời mấy giờ trôi qua rồi. Phải thật khẩn trương nhưng bình tĩnh. Tôi chạy sang nhờ anh họ xem giúp cháu. Anh là y tá, nhưng có rất nhiều kinh nghiệm chữa bệnh trẻ nhỏ. Tôi nói với anh, tôi nghi cháu bị lồng ruột, nhờ anh khám xem có phải vậy không? Anh ấn sờ bụng cháu ở nhiều nơi khác nhau, cuối cùng ấn sâu vào một chỗ lâu và rất lâu, cuối cùng anh bảo “Có khả năng lồng ruột rồi. Nhưng phải ấn rất sâu mới thấy, còn bình thường bụng vẫn mềm”. Tôi hỏi anh, có cách nào giải quyết tốt nhất không. Anh bảo, nếu kịp may ra người ta sẽ tháo lồng bằng hơi, còn không thì cuối cùng phải mổ; tùy tình hình, nhưng tóm lại là đưa đi bệnh viện cấp cứu ngay. Tôi không kịp hỏi thế nào là “tháo lồng bằng hơi”, chỉ tâm niệm thuộc lòng bốn chữ này. Tôi lại sang nhà bên hỏi chị khác cũng là y tá,vợ bộ đội, “Chị ơi con em chắc lồng ruột rồi, đưa đến bệnh viện 108 được không hả chị?”. Chị khuyên tôi: “Cô đưa cháu ngay đi, bệnh viện 108 đầy đủ phương tiện đấy, kể cả phải mổ điều trị cũng tốt”.
           Tôi xếp ít quần áo đồ dùng rồi nhờ bố tôi sang trông nhà và trông hộ con gái, để tôi và me tôi đưa con trai đi. Bố tôi hỏi, tôi bảo cháu nghi bị lồng ruột, bố tôi hỏi thế lồng ruột đến bệnh viện người ta làm gì nó, tôi bảo người ta sẽ mổ. Bố tôi hốt hoảng ngăn giữ tôi lại, “con cẩn thận và bình tĩnh đã nào, không thể để mổ bé thế đâu!”. Tôi nhăn nhó đau khổ: “Trời ơi, bố nghe con nói này, bây giờ không còn kịp thời gian để con giải thích thật kĩ lưỡng với bố nữa, bố thông cảm cho con, con đưa cháu đi ngay đây ạ.”
           Rồi, thế là ba mẹ con bà cháu lên đường. Đường nắng gắt tịnh không có bóng xích lô nào. Tôi bế con trên tay gần như chạy bộ, me tôi không thể theo kịp, bà đành đi từ từ đằng sau theo hướng tới bệnh viện 108. Đến nơi, đang giờ nghỉ trưa, tôi vào phòng cấp cứu. Tiếp tôi là một bác sĩ Nhi già, tôi mừng thầm trong bụng, bác sẽ có kinh nghiệm đây.Tôi thuật lại quá trình từ đêm qua cháu quấy đến trưa nay nôn, ra máu thế nào, và nói luôn tôi ngờ cháu bị lồng ruột. Bác sĩ khám sờ nắn bụng, nhìn nét mặt cháu vẫn hồng hào ngoan ngoãn dễ thương lắm, ông bảo tôi cho cháu bú.
Cháu bú một hơi ngon lành. Chả có chuyện gì xảy ra cả, không nôn, không khóc gì hết. Tôi thầm nói với riêng mình, “con ơi sao con sợ bác sĩ mà không nôn nữa hả con, rồi bác sĩ bảo con không bị bệnh thì làm thế nào”. Quả nhiên, ông bảo tôi giở tã ra, một vết máu nhỏ mờ mờ còn dính. Ông ghi sổ y bạ “Nhu động ruột mềm, không có gì đặc biệt, theo dõi lỵ tại nhà”. Tôi đọc xong kinh hoàng nói như van nài:
-
Bác sĩ ơi! em nghe chị em nói bệnh viện đây có phương tiện để cứu cháu lồng ruột mà, bố cháu là bộ đội, xin bác sĩ cho cháu vào Viện theo dõi và giải quyết chứ về nhà thì cháu chết mất.
- Ơ chị buồn cười thật, tôi bảo chị về là về đi, lúc nào nó ỉa xem phân có máu mũi lầy nhầy không rồi sẽ cho uống thuốc.
- Thưa bác sĩ, thế thì thôi vậy, em xin phép mang con đến bệnh viện Việt Đức, ở đó có khoa ngoại, họ còn có thể mổ cho con em.
- Tùy chị, chị đến Việt Đức hay đến đâu là tùy chị, nhưng tôi thì vẫn khuyên, chị về nhà đi, à mà nhà chị ở đâu nhỉ…chợ Trời à, gần đây thôi, có gì đặc biệt thì lại đến đây.
            Tôi đội nón bế con chạy tiếp, tôi dặn me tôi là tới bệnh viện Việt Đức tức là bệnh viện Phủ Doãn ngày xưa ấy-nơi đã để lại kỉ niệm đau thương về cái chết của mẹ tôi. Me tôi tất tả đi theo. Vẫn thế, tịnh không một bóng xích lô nào. Đường phố buổi trưa thật vắng vẻ. Đi đến đường Lê Thánh Tông tôi không thể đừng được nữa, chạy xuống lòng đường ngăn một chiếc xe đạp đang đi tới. “Anh ơi, con em đang bị bệnh hiểm nguy lắm, mà không có một xích lô nào. Em phiền anh chở giúp hai mẹ con đến bệnh viện Việt Đức để cháu được cấp cứu ạ” Người đàn ông nhìn hai mẹ con ái ngại ”tôi phải đi trực ca này ở nhà máy…khó quá nhỉ…nhưng thôi tôi sẽ chở vậy, nào chị ngồi lên”. Líu ríu cảm ơn anh ấy rồi tôi đăm đăm mắt vẫn hướng về những con đường phải đi qua để đến bệnh viện. Đây rồi, tới cổng bệnh viện, tôi chào cảm ơn anh ấy một lần nữa rồi chạy thẳng vào phòng cấp cứu. Trực cấp cứu là hai cô hình như là sinh viên thực tập và một bác sĩ nam tuổi trung niên, mà các cô gọi là thầy. Một cô ra làm thủ tục cho con tôi. Cô hỏi bệnh, tôi vắn tắt kể. Tôi chưa kịp nói gì về chuyện lồng ruột cả, thì cô gái đã xỏ tay vào găng cao su một ngón đưa vào hậu môn cháu rồi rút ra, một dòng máu chảy theo ngón tay ra ngoài. Cô chăm chú ghi vào bệnh án kết luận “Bệnh lồng ruột”. Cô trình lên bác sĩ, bác sĩ ghi MỔ. Bác sĩ bảo tôi chuẩn bị kí giấy tự nguyện chấp nhận mổ. Tôi dè dặt nói với ông “Thưa bác sĩ hãy tha lỗi cho em nếu có gì không phải, em xin bác sĩ hãy cho con em THÁO LỒNG BẰNG HƠI thử xem, nếu không được thì hãy mổ”. Bác sĩ nhìn tôi một lát, rồi gật đầu, “kể ra cháu bé bị lâu lâu rồi, tính từ đêm qua…nhưng thôi, chị muốn thế thì chúng tôi cho tháo”, bác sĩ bảo cô gái làm lại bệnh án với phương án xử lí “Tháo lồng bằng hơi”, rồi dặn thêm, “mà nếu không được thì chị phải để mổ đấy nhé!”. Tôi mừng quá, lắp bắp cảm ơn bác sĩ không rõ thành lời.
             Con trai tôi được đặt nằm trên một chiếc giường trải ga trắng tinh, nhưng vì trắng tinh thế nên tôi càng đau lòng hơn khi nhìn thấy máu thấm ướt loang cả một vùng lớn, chắc chảy ra từ hậu môn ngày càng nhiều, kèm theo đó sắc mặt bé cứ xanh dần xanh dần. Mới mấy phút trước đây, bé còn hồng hào bụ bẫm là thế mà bây giờ thì…Tôi sốt ruột vì không thấy con được chuyển đi tháo lồng, mà cứ để nằm đó mãi. Các cô sinh viên và thầy giáo đã đi đâu cả rồi? Chỉ còn một cô nhân viên trực ngồi bên máy điện thoại. Tôi hỏi cô:
- Chị ơi, bao giờ cháu mới được đưa đến chỗ tháo lồng ruột hả chị?
-  Chị cứ chờ đã, các bác sĩ còn nghỉ.
-???
Lại chờ đợi. Vẫn không thấy gì.
- Chị làm ơn gọi điện tới các bác sĩ vậy. Chị xem đây, con tôi ra máu liên tục mà, cấp cứu chậm rồi liệu cháu có tháo lồng được không ạ?-Tôi sốt ruột.
Cô gái tần ngần nhấc máy gọi:
-A lô…Dạ thưa bác sĩ, dạ…có cháu bé chờ tháo lồng ruột…
Tôi nghe rõ đầu dây bên kia quát rất to:
- Sao? Lồng ruột hả? còn đợi gì mà không đưa ngay lên?
-Em sợ các bác sĩ đang nghỉ ạ…
-Nghỉ nghỉ cái gì? Chúng tôi đang chờ mà có thấy bệnh nhân nào đâu? Cho xe đẩy mang cháu bé lên ngay đi! Làm ăn gì mà lạ thật!
Tôi thở phào,và ngay sau đó cô gái lấy xe gọi người đẩy xe và dẫn tôi lên khoa ngoại. Me tôi đi theo sau. Ngoài hiên nhà, tôi thấy năm bác sĩ cao to lừng lững, đang đi đi lại lại hút thuốc lá vẻ chờ đợi và nét mặt căng thẳng. Thấy mọi người đến, các bác sĩ ra đón và đưa cháu vào một phòng bên trong. Họ hỏi tôi là mẹ cháu? và cho vào theo, còn bà me bị chặn lại không được vào. Đây là phòng chuẩn bị.Các bác sĩ giải thích cho tôi thêm về việc tháo lồng, Tôi chăm chú nghe, rồi bỗng nhiên một bác sĩ bảo: “Chị khá đấy, chị thật dũng cảm, phải như những trường hợp khác, chúng tôi không muốn cho mẹ cháu vào vì các chị thường khóc lóc um sùm rất khó cho chúng tôi làm việc”. Rồi ông hỏi: “chồng chị làm gì ở đâu sao giờ này không thấy?” Tôi nói:” dạ chồng em là bộ đội đang ở Vĩnh Yên chưa biết cháu bị lồng ruột ạ mà ở nhà chưa báo tin lên được vì chuyện xảy ra gấp quá”. Tất cả cười ồ…”thảo nào vợ bộ đội có khác…dũng cảm là đúng rồi” (tôi ngượng quá nhưng thấy thinh thích). Ông hỏi tiếp:”mà này ở nhà, chị đã đoán là cháu bị lồng ruột hả (chắc bác sĩ khám có nói gì với họ), sao chị biết?” Tôi ngường ngượng: “Dạ em đọc một cuốn sách nhỏ về bệnh tật của nhà xuất bản Y học, em thấy triệu chứng cháu giống thế, và nhờ anh em khám hộ cũng nghi như thế đấy ạ”. Các bác sĩ cười tiếp vui vẻ, “Hóa ra sách cũng có ích lợi đấy chứ nhỉ. Thôi nào chúng ta bắt đầu nhé, mọi người vào phòng trong đi!”. Con tôi được đặt nằm trên bàn, các bác sĩ bảo tôi giữ đầu cháu, còn một bác sĩ giữ chân và làm gì nữa tôi không rõ, một bác sĩ điều khiển máy chụp chiếu, một bác sĩ điều khiển máy bơm hơi tháo lồng, một bác sĩ hô dừng bơm hoặc tiếp tục bơm, và một bác sĩ chỉ huy chung toàn bộ kíp tháo. Thoạt đầu, một bác sĩ khám ấn bụng cháu, bác ấn kĩ lắm và hình như ấn sâu, giống như ông anh tôi, và bảo mọi người, ca này khó phát hiện quá nếu chỉ ấn sơ sơ, bác sĩ dùng những từ chuyên môn gì ấy tôi không hiểu và không nhớ. Rồi con tôi được tiêm thuôc gây mê, cháu lịm đi ngay, nằm yên. Máy chụp bật lên, tôi nhìn thấy toàn bộ bên trong khoang bụng, đủ các bộ phận. Đặc biệt xuất hiện một đoạn ruột lồng nhau trông đã thẫm màu. Sau đó, công việc đều đặn nhịp nhàng, cứ bơm một ít từ hậu môn lên, lại tắt máy chiếu, tắt bơm, theo tiếng hô điều khiển hoặc điều khiển chung đã phân công trong nhóm. Trải qua phải đến bốn đợt, không có kết quả. Hai khúc ruột vẫn lồng nhau, có tụt ra một tí không đáng kể. Tôi căng mắt theo dõi không dám ho he. Bác sĩ chỉ huy chung bảo tôi, họ chỉ có thể bơm một lần cuối cùng nữa thôi, nếu không được là đành phải mổ. Tất nhiên là tôi hoàn toàn tuân theo chỉ định của các bác sĩ rồi. Tiếp tục, bật máy chiếu, hiệu lệnh bơm, …và thật là có phúc, đoạn ruột non từ từ được tháo ra khỏi đoạn ruột già ngay chính trong lần cuối cùng này. Hiệu lệnh dừng. Các bác sĩ chụp đưa ngay phim ra, soi xem bằng mắt, so sánh với phim chụp lúc đầu. Tốt rồi, đoạn lồng nhau dài tới 12 cm được gỡ ra khiến cho ruột trắng đều, không bị thẫm màu nữa. Bác sĩ dặn tôi
: “Bây giờ tạm ổn. Tuy nhiên, mẹ con chị sẽ nằm lại bệnh viện theo dõi qua đêm nay, nếu ruột thông hẳn thì mai có thể về nhà. Nhưng cháu sẽ còn rối loạn tiêu hóa đi phân xanh lâu lắm mới bình phục hẳn, có những trường hợp không ổn thì phải mổ, thậm chí mổ đi mổ lại. Chị phải bình tĩnh nhé. Mong rằng cháu không sao.
             Tôi luống cuống cảm ơn các bác sĩ rồi theo xe đẩy đưa con xuống phòng điều trị. Chiều, rồi tối đến nhanh quá. Tôi đi nhận thức ăn của cháu do bệnh viện phát là 1/3 hộp sữa bò (giống sữa Ông Thọ bây giờ). Tôi cho bé bú không có mấy sữa nên pha sữa bò cho cháu ăn bộ. Còn tôi thì đói quá chả có gì ăn. Me tôi phải về ngay từ lúc họ đuổi ra rồi. Vì me tôi còn trông cháu lớn ở nhà, và bận bao nhiêu việc nữa nên không thể đến được Trong túi tôi mang theo mấy đồng định là để đi xích lô, mà nay đói quá không dám đi đâu mua cái gì ăn, cứ phải kè kè bên con thôi. Một giường là hai mẹ hai con trở ngược đầu đuôi, là trở ngược cho hai bé chứ còn các mẹ thì chỉ ngồi ghé hoặc ngồi bế con.
            Đêm đến, cháu sốt to dần. Cháu không quấy lắm, nhưng tôi rất lo. Tôi đến phòng trực hỏi bác sĩ về tình trạng con mình. Ông đưa cho một gói thuốc các hạt nhỏ màu tím, bảo cho cháu uống đi, nếu sáng mai thấy ị ra thuốc tím tức là ruột thông, còn nếu không thì phải xử lí tiếp. Tôi mang con về, cả đêm bế trên tay cho con ngủ chứ không đặt ở giường, vì cháu đâu có ngủ yên được cứ ít phút ị một lần, phân vẫn tiếp tục có máu, nhưng máu nhạt dần và đến sáng thì ị ra thuốc tím. Vậy là ổn. Tôi quên hết cả mệt nhọc, thực ra tôi chỉ cầu mong đừng có dở chứng chóng mặt trong cái đêm này thôi, ngoài ra không ngại gì hết. Sáng rõ, tôi đặt cháu và gửi con cho chị cùng giường, chạy ra ngoài cổng định tìm mua gì ăn thì thấy một cậu bạn cùng cơ quan đi vào, tay xách mấy cái bánh mì to tướng. Tôi gọi ầm lên:”
- Ban ơi…
- Ơ chị Thư đấy à, sao chị ở đây? Em vào bệnh viện thăm bà chị họ đang điều trị…
- Ừ chị mới đưa cháu cấp cứu hôm qua. Ban này, chị xin lỗi nhé, chị đói quá, cho chị một cái bánh mì được không?
- Ồ được được mà, chị cầm luôn hai cái này…
- Không không… cảm ơn em một là quá đủ rồi.
Tôi chạy ù về phòng cũ, ngốn ngấu bánh mì một cách ngon lành và xong chuyện cấp cứu luôn. Bệnh viện cho cháu ra viện ngay, và cho thuốc uống, nhắc nhở rằng cháu sẽ bị rối loạn tiêu hóa tiếp trong ba tháng liền, và nếu có gì bất thường quá sẽ quay lại bệnh viện. Tôi bế cháu ra về, gọi được xích lô hẳn hoi, và thở phào nhẹ nhõm.
               Mấy tháng sau, một buổi sáng chủ nhật, tôi để con ở nhà bố MQ trông, tôi đi lên gần cơ quan xếp hàng mua lòng bò (bán tự do), mà phải xếp từ hai giờ sáng cơ, chừng bảy giờ sẽ mua được. Tôi khệ nệ chở bằng xe đạp một cái làn to đựng đủ thứ lòng. Tôi hăm hở rẽ vào chợ gần đó mua thêm quả đu đủ xanh để ninh dừ lên với lòng bò. Me tôi thích món này lắm. Mà cứ gì me, vợ chồng tôi và bé con sẽ được một bữa cải thiện ra trò đây. Nào ngờ, vừa về đến cổng, me tôi nghe tiếng tôi dắt xe đã chạy ra và kêu tướng lên,”Này chị, thằng Tuấn lại bị lồng ruột rồi!”. Tôi vứt cái làn và quả đu đủ vào trong bếp không kịp dặn gì me tôi, chỉ hỏi biết được bố cháu đưa bé lên Việt Đức là tôi lao đi ngay. Lên đến nơi, thấy hai bố con cùng chú Văn, bạn đi cùng đang ngồi ở ghế. Tôi hốt hoảng giằng lấy con và hỏi mấy cô nhân viên (chứ không hỏi hai anh em), mới vỡ nhé là bé bị bố “nghi” lồng ruột mang lên cấp cứu nhưng bác sĩ khám rồi, cháu không sao cả. Thì ra chắc cháu đói.Tôi cho con bú, con bú thun thút còn nhoẻn miệng cười thật đáng “ghét”, hèn gì ở nhà làm sao mà dọa bố dọa chú bê nhau lên đây. Định thần rồi tôi mới kịp cảm thông với hai anh em đang chần chừ đợi tôi, vì biết tôi về nhà thấy có chuyện sẽ lao đến ngay. Nghe chồng kể lại, tôi được biết sáng sớm hôm đó, chú Văn đến chơi, và cùng với MQ lôi xe đạp ra chữa. Hai anh em đang hì hục xoay xoay vặn vặn thì bé nằm trong giường khóc “gọi” bố vào. Bố bế con lên thấy con cứ rên rên hự hự, tưởng giống như tôi kể hôm nào đi cấp cứu lồng ruột thế là thần hồn nát thần tính hai anh em rủ nhau lên Việt Đức khám lồng ruột lại cho lẹ! Thôi thì để bố MQ trải qua đôi chút cảm giác về nỗi lo khi con bị bệnh nan nguy.

Trích Hồi ký: NƯỚC MẮT VÀ NỤ CƯỜI
của Bùi Thị Kim Thư
(còn nữa)

6 nhận xét:

  1. Cháu ngoại tôi khi 5 tháng tuổi cũng bị lồng ruột,lại đúng vào đêm thứ 7,các bác sỹ nghỉ nhiều,cũng may bác sỹ trưởng khoa ngoại chưa kịp về và cũng quen bố cháu,vì vậy BS nán lại để "Giải Quyết" cho cháu xong mới về.Vì ruột cháu bị lồng sâu nên tháo lồng 1 lần không được.Cứ 1 lần bơm hơi lại 1 lần chụp Xquang.Đã qua 3 lần tháo lồng,nhưng khi chụp kiểm tra thì thấy vẫn chưa được,bác sỹ bảo:"Tiếp tục bơm tháo lồng 1 lần nữa,nếu lần này vẫn không được thì phải chuyển cháu lên bệnh viện tỉnh để mổ,vì ở bệnh viện hiện đang thiếu BS và phương tiện"Tôi đứng ngoài phòng thủ thuật mà ruột gan nóng như lửa,thầm cầu trời cho cháu vượt qua đận này.Thật là may,sau hàng chục phút làm thủ thuật và chụp chiếu kiểm tra,bác sỹ đi ra tươi cười thông báo cho tôi:"May cho cháu và gia đình,lần tháo lồng lần thứ tư này đã thành công,không phải chuyển cháu lên tuyến trên nữa,nhưng đêm nay gia đình vẫn phải theo dõi thường xuyên,nếu cháu đánh dắm được là tốt,còn nếu cháu đi ngoài ra máu thì phải báo cho chúng tôi ngay,vì trất có thể cháu bị lồng ruột trở lại"Thế là từ bấy giờ cho tới sáng,cả gia đình tôi không ai nghỉ ngủ được.Cũng may cháu không bị lồng ruột trở lại.Thật là một phen hú vía!
    Đã trải qua nên tôi rất thông cảm với Kim Thư.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng, bệnh tật chẳng biết thế nào mà lần, thôi thì coi như gặp may ạ, con em ngày xưa và cháu anh ngày nay đều THÁO LỒNG BẰNG HƠI hì hì...
      MQ cảm ơn anh đọc và chia sẻ.

      Xóa
  2. Bị ngã sơ sơ mà tuổi cao nên không gượng được cứ đau mãi thôi, chả dám ngồi lướt mạng. Hôm nay nhớ trian quá đành đứng mở xem tạm. Thấy Minh Hương nhầm tên tác giả NƯỚC MẮT và NỤ CƯỜI là Minh Thư, mình đã sửa lại cho chính xác rồi.

    Trả lờiXóa
  3. Hú vía ! Thật không còn chữ nào thay được chữ này ! Xin chia xẻ "vuốt đuôi" cùng bạn, bởi NỖI KHỔ NUÔI CON TRONG CHIẾN TRANH của NHỮNG NGƯỜI CÙNG THỜI .Văn KỂ,TẢ của bạn rất động,rất bám sát cảm xúc.Ở đây,không cần chấm,phẩy gì nhiều mà vãn rõ ràng,mạch lạc .Người ta bảo đó là HÀNH VĂN THEO DÒNG CẢM XÚC đó bạn .Hãy tiếp tục !

    Trả lờiXóa
  4. Cảm ơn anh chia sẻ và động viên ạ. MQ vẫn cứ nhắc lại như vậy, mong anh thông cảm vì đó là "cảm xúc thật".

    Trả lờiXóa