Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Tư, 7 tháng 8, 2013

Hồi ký NMNC - CHƯƠNG 5: HÒA BÌNH


               Ít lâu sau, cuộc sống trở lại bình thường, tôi về Hà Nội đi làm, con gửi ở nhà bà me trông cho. Công việc chuyên môn có những đổi khác. Đúng trong mấy tháng chiến tranh địch phá hoại ác liệt thì cơ quan tôi cử hàng loat cán bộ đi học và tiếp nhận máy tính điện tử Minsk32 của Liên Xô (đặt tại trung ương), và máy tính S385, C8205, C8205 Z của Cộng hòa dân chủ Đức (để trang bị cho các tỉnh phía Bắc). Mấy bạn nam khóa sau tôi đều đi trong những đoàn này. Các em ở khóa sau tôi ba năm, tức là vừa mới về cơ quan đều được lấy đi học hết vì rất thiếu người, chỉ trừ mình tôi ra, “hiển nhiên” là không được đi đâu cả, một phần vì tôi nuôi con nhỏ, nhưng nhiều phần là vì lí do “cố hữu” khỏi cần nhắc lại nữa. Tôi biết vậy, nhưng mặc kệ và không bao giờ buồn chán gì cả. Đến khi mọi người trở về thì chiến tranh phá hoại ngừng từ lâu rồi. Tôi học các bạn về máy Đức C8205 và C8205Z qua một số buổi trình bày, còn chủ yếu là tự học, tự đọc sách họ mang về. Cục nơi tôi công tác bây giờ vẫn giữ nhiệm vụ là xây dựng các phòng máy tính tại địa phương miền Bắc nhưng cái mới là ở chỗ không chỉ có máy tính cơ điện nữa, mà có máy tính điện tử chuyên dụng S385, máy tính điện tử vạn năng C8205, C8205Z. Hai loại máy C này là máy tính điện tử thế hệ 2, bộ nhớ trong và ngoài đều là trống từ. Ngôn ngữ lập trình là ngôn ngữ máy. Ngoài việc soạn giáo trình, tham gia giảng dạy, chúng tôi còn thường xuyên đi các tỉnh giúp đỡ và cùng với họ xử lí các điều tra trên máy tính. Thế là tôi lại rong ruổi  đi đi về về từ Hà Nội đến các tỉnh có trang bị máy, may gửi được con cho bà me, và khi chưa cai sữa thì chỉ đi rất vội tối đa là hai ngày, hoặc xuống phòng máy ở Hà Nội là chính, còn khi cai sữa rồi có thể đi nhiều hơn, đi xa hơn.Tôi đi công tác giống như ngày xưa nhưng chỉ khác là không phải gẩy bàn tính, không phải bấm máy cơ điện, mà là lập chương trình với những lệnh máy bằng số; đục dữ liệu trên máy băng đục lỗ, hướng dẫn cho các phòng máy làm việc, và đi giải quyết những cuộc cãi vã đổ lỗi cho nhau giữa người sửa chữa máy và người lập chương trình.
           MQ không còn là lính. Anh được chuyển về một học viện Quân đội làm giáo viên Toán, chứ không “được” ra quân. Vì vậy, anh không ở cùng vợ con mà chỉ chủ nhật mới về, có xe của đơn vị đưa đón. Thành ra tối thứ bảy, tôi lên nơi đỗ xe để đón MQ về và tối chủ nhật đi tiễn. Thế là MQ trở về cảnh “ở rể” như hồi mới lấy nhau. Tôi quen dần với cuộc sống mới, suốt ngày suốt tuần bận rộn ở cơ quan, cuối tuần thì lo có bữa cơm tinh tươm hơn một chút, nhưng vẫn chỉ loanh quanh với mấy hạt lạc rang mặn là cùng, và một chút bì kho nhầy nhầy chứ phần thịt phải ưu tiên cho con gái. Cháu lớn nhanh như thổi, và ngoan lắm. Cơm thì tự xúc cả bát đầy, không rơi vãi hạt nào. Chủ nhật mẹ có nghỉ nhiều khi vẫn phải làm việc ở nhà, cái ngày còn chưa cai sữa ấy, bé lững thững đi bộ ra vỉa hè chơi. Lúc đói bụng thèm sữa mẹ thì về và bảo “mẹ ơi măm mới” rồi tự tiện đứng tìm ti mẹ bú như lợn con, còn tôi thì vẫn ngồi viết. MQ thấy thế buồn cười và rất thích thú, nhưng chẳng được lâu, mọi người trong nhà và bạn bè giục tôi phải cai sữa cho con, vì tôi gầy quá. Hôm cai sữa, rình tối thứ bảy, MQ về ngủ bên con gái riêng một giường, tôi trốn sang nằm với me tôi. Đến khi bé tỉnh dậy giữa đêm không thấy mẹ đâu, rối loạn đi tìm, phát hiện thấy mẹ nằm bên giường này, hắn lao tới như một con thiêu thân. Thương con quá, tôi bế con và bôi kháng sinh đắng ngòm vào ti, để bé kinh mà không dám bú, nhưng cô nàng ứ sợ, cứ nhắm mắt nuốt ừng ực cho qua cái đắng rồi bú ngon lành như thường. Chịu thua ư? không được, MQ tiếp tục dỗ con cả đêm, cho uống ít nước đường, và nhấm vài cái bánh để con bớt khóc. Rồi qua đi, và hết một ngày chủ nhật mẹ lẩn trốn nữa, đến đêm chủ nhật bố lên đơn vị thì ở nhà ngủ với bà me là êm hẳn.
               Từ sau đấy, hàng tuần bố MQ về thường dẫn vợ con đi chơi công viên ngày chủ nhật cho thoải mái, hoặc cứ một vài tháng vào tối thứ bảy, hai vợ chồng nhờ bà me trông con cho và đi xem kịch nói buổi biểu diễn muộn. Ngày ấy, chúng tôi nghèo thì rất nghèo, nhưng vì chưa có ti vi như bây giờ nên cứ bóp bụng để dành mấy đồng mà giải trí thôi. Thời gian xem thì ngắn mà tranh luận bàn cãi về vở kịch thì dài, có khi thức tới hai giờ sáng. Chúng tôi mệt nhưng thích nhất là cái đoạn tranh cãi ấy. Ngày xưa khi còn bé, nhiều thời gian, thi thoảng tôi xin me cho mua vé xem phim ở rạp Mê linh, mà toàn xem phim cấm trẻ em dưới 16 tuổi thôi, khi vào cửa rạp tôi cứ phải kiễng chân lên ra vẻ ta lớn cao rồi đây, mà đi thì có một mình, chả có ai mà bàn bạc. Xem phim “Người thứ 41”, thấy hay hay, mặc dù chưa hiểu tình yêu là thế nào, chưa biết sao “nữ chiến sĩ hồng quân Liên Xô” yêu “sĩ quan bạch vệ Đức” mà lại bắn anh ta và bắn cả mình khi xuất hiện chiếc tàu của hải quân Đức; lớn lên chút nữa thì say sưa với tình yêu lãng mạn mang sắc màu cổ tích của Jane Eyre với Rochester (trong Jên Erơ), thích tình cảm của cô Eugenie và cậu Saclo (trong Ơgiêni Grăngđê), thích đủ thứ với hiểu biết rất mơ hồ. Còn bây giờ, tôi đã có chồng con. Tôi chẳng phải đi sơ tán nữa, cuối tuần cả nhà đoàn tụ. Buổi tối thứ bảy, chúng tôi lại cùng nghe những bản nhạc êm dịu, và khi con gái ngủ rồi, thì thế giới chỉ còn hai đứa chúng tôi, yêu nhau vội vã, tâm tình hối hả, vì không còn giờ nữa, ngày mai chủ nhật quanh quẩn vài bữa ăn là hết ngày và sẽ tất bật tiễn chồng lên đơn vị rồi. Đấy là chưa kể đêm về, MQ còn phải dành chút thời gian gõ đấm đầu cho tôi vì tôi đau lắm. Tôi bảo MQ rằng anh cứ coi tôi như kẻ thù ấy, cứ lấy cái khóa đồng khóa gang nào to nhất nện thật mạnh vào giữa đỉnh đầu, nếu không tôi phải đập đập đầu vào tường kiểu lấy độc trị độc vậy. Hoặc tôi ước đùa giá như chúng mình hay cãi nhau nhỉ, anh sẽ rất căm ghét em và vũ phu đến mức cứ túm tóc vợ mà giật cho hả dạ, thì em sẽ cảm ơn anh biết chừng nào.Tôi không nhớ rõ mình bị đau đầu chính xác từ bao giờ nhưng chắc chắn là vào khoảng mới ra trường. Tôi còn bị đau nhức xương khớp nữa mặc dù còn trẻ. Ngày ấy chả biết gì cứ uống hàng trăm viên Sa la mit hình như rất hại thận. Nhưng mà đau gì thì đau so với chứng đau đầu chóng mặt của tôi thì nó chẳng là gì.
            Hết tuần rồi sang tuần, tôi làm như một cái máy với bộn bề công việc, với những tập lệnh máy dày đặc, căng óc chọn cho chính  xác địa chỉ trống từ để tối ưu hóa những chương trình con chạy cho nhanh, lẩn mẩn tìm lỗi chẳng phải chỉ do chương trình lập sai mà còn do lỗ đục tín hiệu trên băng nữa, cứ một tay cầm bút viết lệnh, một tay ấn đầu. Lúc nào trong túi tôi cũng mang theo một hộp cao Sao vàng, và bôi liên tục cho đỡ đau. Nói ra thì buồn cười nhưng rất thực, đó là chỉ khi ăn uống, bất luận là ăn những bát cơm hôi mùi gạo mốc, hay củ sắn củ khoai, miếng rau miếng bì, tôi không bao giờ đau đầu cả. Lúc ấy có cố nghĩ ta đang đau đầu đây thì nó chẳng đau cho. Nhưng mà làm sao ăn suốt ngày suốt đêm được chứ. Và cứ mỗi buổi chiều đi làm về, dù nhớ con đến chết thì vẫn phải kiên nhẫn xếp hàng khi thì mua tí rau mậu dịch, lúc thì mấy bìa đậu phụ bằng phiếu, mà không mấy khi có mỡ để rán, chỉ kho chay thôi. Mất thời gian nhất là xếp hàng mua rau, tại vì có người cứ chen ngang, mà rau thì nát ơi là nát. Các chị mậu dịch viên tối mắt tối mũi nhập rau về từ chiếc xe chở hàng thật lớn, rồi phải xếp, phải cân, bốc từng nắm to cân cho khách xong ném uỵch ra mặt bàn để khách vơ vội bỏ vào làn giỏ mang theo, hoặc có khi cứ ôm bừa vào ngực cho khỏi rơi. Tôi rất luyến tiếc những ngày bé thất học, rỗi rãi đi xếp hàng ở phố Huế, không phải xếp mua rau mà là mua thịt bò tươi. Người ta mổ bò ở đâu mang về, của mậu dịch hẳn hoi, bán tự do mỗi người hai lạng, phải đứng từ mười giờ sáng, đến hai giờ chiều mới được mua, mang về thuôn hành dăm thì thật tuyệt vời. Tôi còn nhỏ nhưng được me dặn, bao giờ cũng xếp đầu tiên và “đòi” mua hai lạng cắt từ miếng thăn, mới mềm và ngọt thịt. MQ ở trên đơn vị, chịu khó trồng xu hào và ớt, tối thứ bảy lẽo đẽo đèo bòng mấy củ về để chủ nhật cải thiện. Có lần, MQ đưa tôi và con gái lên đơn vị chơi thăm nữa, rồi mua mít về bổ mời  bạn bè sang ăn thật là thích. Nhưng những lúc như thế, tôi ngại nhiều khách chả dám ăn thích khẩu.
         Cuộc sống cứ êm đềm giản dị trôi đi, nhưng sinh hoạt “chăn gối” thì lủng củng. Không phải vì chúng tôi không yêu nhau mà là tôi sợ sinh thêm con ngay, vì thế tôi hay nửa đùa nửa thật nói dối MQ là khi thì tôi đang hành kinh, hoặc đúng hoặc sắp đến ngày rụng trứng, khi thì bị đau bụng, lúc đau đầu, nghĩa là đủ thứ để …từ chối! MQ biết thừa không trách gì tôi nhưng trêu “sao lúc nào mình cũng hành kinh và rụng trứng thế?” “Hi hi…một tháng em có kinh những gần hai lần cơ mà, chu kì có 18 ngày thôi”  Thật là vậy, điều này không nói đùa cũng không phịa ra.
Con trai
Thế là MQ đành kiếm cách kế hoạch hóa bằng cách rủ tôi đi ra đầu phố mua…”giống …OK ngày nay”. Nhưng đâu tránh được, trời vẫn “bắt” phải sinh con nữa ngay, ai bảo khi trước tôi cứ sợ không có con, “OK” vẫn có thai vì “OK” có phốt mà không biết. Vậy là tôi bước vào cuộc lần thứ hai, nhưng may không ốm nặng như lần đầu, một ngày chỉ nôn ba lần thôi, lúc đói, đó là sáng sớm, trưa và chiều tối (trước lúc ăn cơm). Tôi đi làm bình thường, vẫn đi công tác tỉnh xa với cái bụng nghễu nghện cả khi thai hơn tám tháng, còn con gái thì ở nhà với bà. Nghĩ thấy ghê ghê, rủi mà chuyển dạ dọc đường thì không biết ra sao. Mang thai lần này, kinh tế eo hẹp hơn, nên tôi không bồi dưỡng gì. Sáng ra, tôi ăn cơm rang với dưa muối, trưa ăn cặp lồng cơm độn ngô mang từ nhà nguội ngắt và thức ăn thật đơn giản. Được cái là tôi ăn khỏe nên lấy lượng bù chất. Suốt quá trình mang thai, tôi không dám ăn một bát phở nào. Có một lần bụng chửa vượt mặt rồi, tôi đi qua một cửa hàng phở, ngửi mùi thơm điếc cả mũi, tôi thèm quá, dừng lại và liều đi vào. Đi đến giữa cửa ra vào, tôi đứng nhìn, nhìn ông chủ hàng phở đang tất bật, nhìn khách hàng đang xì xụp ngon lành. Tôi nghĩ, nếu mình ăn một bát lại mất bốn hào, thế thì tiếc tiền quá, thôi không ăn nữa, nên quay ra. Ông hàng phở gọi: “Ơ cái cô kia ơi sao không vào ăn lại đi thế?”. Tôi cứ giả đò không nghe thấy và lầm lũi đi thẳng. Đặc biệt lần nghén này tôi thích ăn đồ ngọt kinh khủng, nên khi đi làm, qua chỗ chắn tàu hỏa, tôi hay để xe đạp vào cạnh gốc cây, rồi xà vào quán nước mua cái kẹo lạc hoặc cục kẹo vừng nhai lốp cốp và nuốt lấy nuốt để, không thể nào kiềm chế được. Người ta bảo chửa mà thích ngọt là hay sinh con trai đấy. Thai trong tôi lớn lên và phát triển bình thường, nhưng bé không đạp mạnh như chị ngày trước, chỉ lục đục trườn qua trườn lại nhẹ nhàng.
               Tôi vừa nuôi thai vừa bận rộn chăm con gái đầu, nhưng may cô nàng biết phận mình là chị cả hay sao ấy, ngoan lắm. Còn nhớ có lần cháu bị sốt cao tới tận 40 độ, mà khi mẹ đưa lên khám bệnh ở trạm y tế  phố Trần Nhân Tông, bé cứ tụt xuống đất chạy lạch bạch không cho mẹ bế và bảo “con tự đi được, mẹ bế nặng lắm” thật là thương. Mới chỉ hơn hai tuổi đầu, bị đi đái dắt, năm phút một lần ban đêm cháu tự lọ mọ dạy ngồi bô, kéo quần tụt quần một mình, và bảo con tự đi đái được mà. Đến khi bị thấp khớp cấp, vào dịp bố cháu được nghỉ hè, chân đau sưng không tự đi được mới cho bố MQ cõng ra trạm xá để tiêm thuốc kháng sinh.
            Tôi bắt đầu có thai lần hai vào khoảng mùa thu năm trước thì sinh con đầu mùa hạ năm sau. Lần này, tôi không nghỉ đẻ sớm, mà đi làm sát ngày sinh. Nhớ lại hôm đó, gần nghỉ trưa, tôi thấy hơi lẩm nhẩm đau bụng, và nôn nao khó chịu một cách đặc biệt. Tính nhẩm ra thì tới ngày sinh rồi, tôi giao thìa khóa phòng để trực nhật cho một đồng nghiệp và dặn sáng mai chưa chắc tôi đi làm được. Tôi ăn cơm trưa thật nhanh, rồi ra về. Vẫn còn rất bình tĩnh, tôi vào chợ Hôm xếp hàng mua mấy lạng thịt, và một kg đậu phụ theo tem phiếu. Trong lúc xếp hàng thi thoảng lặp lại cơn đau nhưng còn thưa, và đau rất ít. Tôi đoán mình sắp sinh rồi nhưng nghĩ giống lần trước thì không vội lắm. Về đến nhà, tôi làm thức ăn, cho con gái ăn cơm, tắm rửa cho con cẩn thận, rồi tắm gội cho mình nữa. Xong đâu đấy, tôi nói với me là tôi đi đẻ. Tôi đi bộ một mình từ nhà đến nhà hộ sinh Cây đa Nhà bò, tức là hộ sinh B đấy, xách theo một cái túi đựng sẵn giấy tờ cần thiết và một vài quần áo cho mẹ cho con. Tôi nhờ me dặn MQ có về thì đến nhà hộ sinh. Me bảo gọi xích lô nhưng tôi không chịu, tôi muốn tự đi bộ để vận động nhiều cho mau đẻ, và để đỡ tốn tiền.
              Ra tới nhà hộ sinh là bốn giờ chiều. Lên bàn khám, người ta bảo tôi sắp sinh, cứ vào phòng chờ tạm. Tôi thay váy áo của nhà hộ sinh rồi vào phòng chuyện trò với chị em. Tôi có những cơn đau liền hơn nhưng còn chịu được, và cố tán chuyện vui vẻ với mọi người cho quên đi. Nào ngờ chuyện mới được chừng mười phút thì cơn đau liền kéo đến dồn dập. Bà đỡ khám bảo tôi bắt đầu vỡ ối nhưng nước ối rất xanh tức là có tình trạng nhiễm khuẩn ối, để lâu không có lợi cho con. Tôi không hiểu sao lại thế, và quả thực tự mắt nhìn thấy “nó” xanh lè lè thật. Ca kíp bác sĩ hộ lí vây quanh tôi tiêm thuốc trợ lực, trợ tim cho khỏe, (không biết có tiêm thuốc giục sinh không) rồi đưa tôi vào phòng đẻ. Người đỡ cho tôi là một em sinh viên thực tập. Lúc đầu tôi ngài ngại, nhưng rồi chuyển dạ quá nhanh, tôi đẻ ra con trai trong mấy phút và êm đẹp. Em sinh viên hỏi tôi đã có con chưa, tôi nói đã có con gái. Cô gái reo lên, “thế thì lần này chị sinh con trai rồi, sướng nhé, em cho chị nhìn cháu một lát này”. Tôi cảm ơn cô gái ríu rít, nhìn con, và nhắm mắt lại thở phào hạnh phúc. Vậy là con trai tôi Hồ Anh Tuấn chào đời ngày 16 tháng 4 năm 1974 với cân nặng 3,1 kg. vào lúc 4h30 chiều. Mọi việc diễn ra thật nhanh chóng, chỉ trong nửa giờ đồng hồ, mặc dù kể ra thì dài dòng. Nửa giờ đồng hồ cả chuyện trò tán phét, đau dồn lẫn đẻ thì quả là lí tưởng cho một cuộc vượt cạn.
              Gần năm giờ, tôi được đẩy cáng về phòng sản phụ thì đúng năm giờ MQ đã gọi ời ời ngoài cửa sổ rồi. Sao chàng thính và “khôn” thế, vợ đẻ xong, đẻ con trai là xuất hiện liền ngay à. Tôi báo tin cho MQ sơ bộ tình hình và MQ vui lắm, lật đật nhờ người ta chuyển hộ đồ ăn mang theo chứ chưa được vào thăm ngay.
              Lần sinh này, so với lần trước thì thật lí tưởng, không phải khâu, nên không phải dùng kháng sinh, không bị đau đầu ti nữa nên con bú thoải mái. Tôi ăn khỏe, và lắm sữa, vắt nhiều sữa thừa và lần này thì không phải mình MQ mà là bố và con gái đều uống. Bé cũng lớn nhanh như chị, được hai tháng thì mặt đã tròn xoay, hồng hào bụ bẫm. Rồi bé dướn suốt ngày đêm tức là mắt tuy nhắm ngủ nhưng người cứ oằn oằn vặn vẹo miệng thì phát ra những âm thanh là lạ nghe như tiếng hổ bé xíu tập gầm. Một hôm bà nội từ Hải Phòng lên thăm thấy thế phải “xử lí” bằng mẹo. Chả là vào ngủ, tôi thấy cồm cộm dưới chiếu, lật lên thấy con dao nhọn sáng quắc, tôi kêu lên, “ôi sao thế này má ơi…”. Má tôi cười và bảo má làm thế cho thằng bé bớt gầm đấy mà vẫn chóng lớn.

Trích hồi ký NƯỚC MẮT VÀ NỤ CƯỜI
của Bùi Thị Kim Thư
(còn nữa)

2 nhận xét:

  1. Gian nan vẫn PHẢI SINH con
    TRỜI CHO nên cũng VUÔNG TRÒN,CHỈN CHU
    Nhớ xưa,giờ mới thở phù (PHÀO)
    Không ngờ mình DŨNG CẢM như ANH HÙNG !

    Trả lờiXóa
  2. Đẻ sinh sinh đẻ đùng đùng
    Trời xui đất khiến anh hùng chi đâu
    Đưa vào hồi kí thêm mầu
    Cho tăng câu chữ cho sầu tí vui
    Đường đời có bấy nhiêu thôi
    Cảm ơn anh đọc có lời khen chê...

    Trả lờiXóa