Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

Hồi ký NMNC - CHƯƠNG 7: TÌNH SÂU NẶNG


           Con trai tôi yên chí ở nhà với bà me, tới khi bốn tuổi rưỡi thì được theo mẹ đi xa. Chả là tôi có một khóa giảng về lập chương trình máy tính C8205 Z cho một số tỉnh miền Trung tổ chức tại Nha Trang. Hai mẹ con tôi đi tàu Thống nhất. Tuấn rất thích tàu, đến nỗi hỏi sau này con thích làm gì thì cháu bảo thích lái tàu hỏa. Cu cậu rất khoái chí mỗi khi tàu chui qua hầm, và nghe mẹ đếm 1, 2, 3, … hầm rồi này…. Đi đường, hai mẹ con tiết kiệm lắm, không dám ăn tiêu gì ngoài mấy nắm cơm và can nước đun sôi để nguội chuẩn bị sẵn. Qua ga Quảng Ngãi, người ta bán bao nhiêu gà luộc có vẻ rất ngon, mà tôi gan lì không mua cho con ăn, nghĩ lại thấy thương lắm. Ngồi trước mặt hai mẹ con là hai bác đàn ông, mỗi bác cầm một con gà xé thịt chấm muối tiêu nhm rượu chuyện trò hỉ hả thật vui. Họ sẵn lòng cho cháu ăn nhưng tôi không dám, nhất định từ chối và kể chuyện cho con nghe, nào là chuyện em bé quàng khăn đỏ đem bánh biếu bà gặp phải con cáo gian ngoan, chuyện hố vàng hố bạc,…rồi quay về chuyện tàu hỏa đi qua bao nhiêu hầm rồi. Lúc hết chuyện thì bảo cháu đọc thơ, thế là khách ngồi quanh đó nghe và khen nên cháu thích chí đọc không biết mệt, sau rồi ngủ thiếp trên tay mẹ.
            Về đến Nha Trang, tôi ghé qua thăm cậu mợ rồi về với má. Má vẫn ở ngôi nhà đó, một mình. Nghe tôi bảo vào đây dạy hai tháng má vui lắm. Từ nhà má đến cơ quan nơi tôi làm việc phải đi khoảng 5 km. Tôi mượn cậu xe đạp để đi lại hàng ngày. Mấy ngày đầu mới về với má, tôi thấy có một thanh niên hay qua lại, má nấu cơm cho ăn cùng, Má chăm sóc anh ấy thật tận tình, đến mức tôi thoáng phát ghen. Tự nhiên tôi có chút mặc cảm xen lẫn tự ái. Tôi là con dâu của má, mang cháu nội từ ngoài Bắc vào, vậy mà má cứ nhàn nhạt sao ấy, má chỉ chăm chút cho anh ta thôi. Má bảo má nhận anh ấy là con nuôi.Tôi không nhút nhát nhưng không vồn vã xã giao hình thức được nên cứ buổi tối, anh ta đến ăn cơm cùng là tôi ăn thật nhanh cho xong và rủ con vào giường khuất một chỗ, hai mẹ con chơi với nhau. Nhưng sự tình căng thẳng ấy chỉ diễn ra trong mấy ngày thôi. Tôi đã bình tâm suy nghĩ theo cách khác. Tại sao tôi không biết rằng má sống một mình nên rất buồn và thiếu thốn tình cảm? Khi con cháu đều ở xa, thì má quí ai đó là chuyện bình thường chứ, mình phải thầm cảm ơn người ta, sao chỉ biết ghen tị vớ vẩn? Từ hôm vào đến giờ tôi chăm lo quan tâm gì cho má hay lúc nào cũng chỉ nghĩ đến việc má chăm cho mẹ con tôi? Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng rồi một tiếng nói khác cứ vang lên rền rĩ…Má ơi! Má chẳng hình dung được đâu, con vào đây, con cần má đến thế nào, con muốn má thực sự là mẹ của con, không phải chỉ là má chồng nữa đâu. Con thương má, con không khéo nói, con chỉ im im thôi, mà trước đây má cũng biết tính con còn gì nữa? sao bây giờ má tỏ ra xa cách với con? Ồ mà con chỉ ở với má hai tháng, rồi khi con đi, má sẽ ra sao, má lại thui thủi một mình. Cứ thế nghĩ triền nghĩ miên, đầu tôi càng nhức lên như búa bổ, cho tới ngày tôi chủ động ổn định nếp sinh hoạt của mình. Đầu tiên là tôi làm thủ tuc đổi tiền (năm ấy là năm đổi tiền), có bao nhiêu mang theo là tôi đưa má hết, chỉ để lại rất ít dự tính cho lần trở ra Bắc. Tôi nói với má, một phần là vợ chồng tôi biếu để má thuốc thang bồi dưỡng, một phần là đóng góp để chi dùng, chợ búa thức ăn hàng ngày nhờ má giúp vì tôi đi dạy từ sáng tối mịt mới về.
           Tôi không nhớ rõ, chỉ biết là má hết sức kinh ngạc vì tôi đưa má nhiều tiền đến thế. Còn tôi, tôi không có khái niệm gì về ít hay nhiều. Tôi và cả MQ cũng vậy, chỉ luôn cố gắng chắt chiu và hết lòng với má từ động cơ tình cảm mà thôi. Thế rồi, tôi thưa chuyện với má, rằng tôi dạy liền hai tháng ở đây, mỗi ngày dạy hai buổi, trưa nghỉ ít tôi không về, tôi mang theo cặp lồng cơm và nếu không tiện ăn ở cơ quan tôi sẽ về nhà cậu để ăn đồ của mình mang theo, chứ không muốn phiền ăn uống ở chỗ cậu. Cháu thì để ở nhà với bà nội.
           Vậy cứ đều đặn, sáng ra tôi dậỵ sớm, lo cơm nước cùng với má, ăn sáng, cho con ăn, rồi đạp xe đến cơ quan, với cái túi đựng cặp lồng dấu kĩ. Chiều về nhà là sẩm tối rồi. Tôi gọi cửa má ơi thì đã nghe thấy bé con ở bên trong gọi, “Nội ơi mẹ con về rồi này”. Má lật đật ra mở then gỗ, bà cháu mẹ con vui mừng lắm. Má kể, ở nhà, bé cứ hỏi suốt mẹ con sắp về chưa, rồi lục ngăn kéo cất giữ mấy bức hình chụp, lôi ra chỉ và thủ thỉ:”Nội ơi, bố con đây này, mẹ con đây này, chị Hoa đây này, con đây này”. Rồi bé đi lấy cối cho bà nội giã trầu, kể chuyện cho bà nội nghe đi tầu Thống Nhất thế nào, qua hầm tối ra sao. Ngày nào cũng kể chuyện và khoe ảnh chụp vậy mà bé không chán. Tôi chơi với con một tí thôi, rồi đạp xe mang theo một bao tải to đến chỗ bán nước mía gần đó xin bã mía về má phơi đun dần. Mọi khi má đi xin nhưng phải cắp lệ khệ ít một, bây giờ tôi không cho má đi nữa, vì tôi chở bằng xe đạp được nhiều hơn. Má đem phơi khô bã mía rồi nhét đầy các gầm giường, cả dưới bếp nữa, má bảo má sẽ đun dần được hàng bao nhiêu tháng ấy chứ. Mỗi bữa má dùng mấy cái bã mía là xong nồi cơm tí xíu mà. Mỗi lần tôi đi con khóc đòi theo, nước mắt ngắn dài thương lắm. Nhưng thương nhất vẫn là mỗi sớm trở dạy, bé bảo “Mẹ ơi hôm nay mẹ không đi dạy học đâu, mẹ ở nhà với bà nội, với con cơ”.Tôi phải giải thích đủ kiểu mà ngày nào cũng lặp lại như thế. Đến khi mẹ dắt xe đi rồi, bé không khóc to nhưng cứ chảy nước mắt ra tận ngoài đường quốc lộ, vẫy tay nhỏ xíu và dặn mẹ đi làm nhanh nhanh về nhé.
           Chủ nhật tôi được nghỉ là cu cậu sướng lắm. Trẻ con ở gần chạy sang, vây lấy bé nghe kể chuyện tầu Thống nhất. Cu cậu ngồi giữa giường, kể rất đàng hoàng, rằng từ nhà bé vào đây phải đi qua 46 cái hầm (là đếm linh tinh có chính xác đâu). Rồi tu chạy xình xịch. Chú lái tầu mặc áo màu xanh. Chú không ngủ gật khi đang lái tầu đâu. Tầu có nhiều xe (toa) lắm (!)…Bé cứ vừa kể vừa liếc liếc mắt sang một chỗ nào đó vẻ ngường ngượng, nhưng chắc thích thú vì các anh các chị các bạn có vẻ thích bé lắm. Thích không phải chỉ vì chuyện tầu hỏa, mà còn vì bé có cái giọng miền Bắc là lạ. Tôi hỏi các cháu có hiểu em nói gì không thì tất cả đều hiểu. Vào ngày nghỉ, tôi mang đm lò xo ở giường má ra phơi nắng, giặt dũ tấm ga trải giường và vỏ gối. Tôi kiếm các mảnh giấy cưng cứng dán dần lên cái trần thâm thấp ngay phía trên giường má nằm để khỏi bị bụi rơi bẩn. Tôi ngẩng lên hay bị chóng mặt nên chỉ làm ít một chứ không làm ngay được một lần. Có ngày chủ nhật tôi gánh thóc đi thuê xay sát mang gạo về cho má. Nhìn tôi gánh, bà con gần đó cứ kéo ra đứng xem. Chả là má khoe, “Nó là con dâu tôi đấy, nó ở Hà Nội vào, nó là kĩ sư gì ấy, chạy máy chạy móc…dạy học ở Nha Trang”. Mọi người xem vì thấy lạ, con gái Hà Nội vào đây mà gánh được á, lại còn gánh dẻo nữa là khác. Tôi thấy ngượng và chợt nhớ ngày xưa các bạn cũng đứng xem tôi vác đất, gánh bùn, gánh gạch.
          Ở Nha Trang ngày ấy, nắng nhiều mà mưa lắm. Cứ mỗi lần mưa dầm, thấy nhà dột mà tôi thương má quá. Tôi cứ tưởng tượng cái cảnh thân già lận đận một mình, mang những cái chậu cái nồi nhỏ hứng nước mưa nhỏ xuống giữa cái nền đất ẩm thấp này mà thấy nao lòng, Bởi vậy, đến một ngày nắng khô ráo, tôi quyết định phải chữa dột ở những chỗ đã đánh dấu theo dõi kĩ từ trước, tôi đi mua một ít viên ngói để thay thế. Quyết định này đối với ai thì là bình thường chứ đối với tôi thực sự là bất thường. Bất thường bởi tôi hay bị chóng mặt, đặc biệt là rất sợ trèo lên cao mà không có chỗ nào bấu víu. Nhưng rồi, lòng thương má chiến thắng tất cả. Ngôi nhà ba gian làm theo kiểu cũ, rất cao, được lợp ngói ta toàn bộ. Tôi nhờ má giữ thang rồi trèo lên từ phía nhà bếp. Lúc đầu tôi run lắm, nhưng cố nghĩ sang chuyện khác, cố tìm tòi mò mẫm những chỗ ngói nát để thay từng viên một. Thi thoảng tôi xuống  xách lên những viên ngói bỏ trong cái xô. Ngói nát hoặc rác rưởi thì ném thẳng xuống góc vườn. Lúc bấy giờ giá có đấng nam nhi nào, nhất là người thợ có chuyên môn đảo ngói chữa dột mà nhìn thấy, chắc sẽ buồn cười lắm. Làm mãi rồi quen đi, cái mái bản chất còn tốt mà, hệ thống rui mè còn bền, chứ chúng mà nát tươm thì có trời cứu. Tôi rón rén nhẹ nhàng nhẫn nại, quên hết mệt nhọc, thi thoảng liếc nhìn má hình như băn khoăn lo lắng lắm cho tôi.
          Nghĩ lại, đời cũng lạ thật, mọi sự như có sắp đặt, và có lực lương nào rất siêu hình phù trợ, nếu không tôi không thể làm được như thế. Mà kể cũng lạ, cả má cả tôi, không ai nghĩ ra là sẽ tìm ra một người đàn ông nào đó, có thể là bạn bè tôi ở cơ quan, có thể là ở quanh trong phố chẳng hạn, hay là họ hàng thân thích, để cùng với tôi sửa nhà dột cho má thì sẽ đơn giản biết bao nhiêu. Thì thế mới thành ra chuyện để ghi sâu vào kí ức không thể nào quên.
           Một ngày kia, khi đi làm về, tôi thấy trong nhà có một phụ nữ trạc tuổi mình. Chị người thâm thấp, da đen đen, ăn mặc tuyềnh toàng, dáng vẻ tất bật vất vả. Buổi tối ấy, chị ăn cơm cùng chúng tôi. Má bảo chị ở gần nhà trong quê. Chị đi buôn dầu lửa, buôn thuốc lá, cá khô và nhiều thứ khác trên chuyến tàu đêm Nha Trang Tháp Chàm, và còn đi xe đò về vùng quê nào nữa ấy. Má tình cờ gặp chị, hỏi thăm thấy hoàn cảnh khó khăn, bảo chị về đây nghỉ ngơi, rồi đêm ra tầu cho gần ga, chứ lang thang chờ đợi ngoài ga thì khổ. Thì đã bảo người ta gần được nhau hay không là ở cái duyên. Tôi và chị ấy thoạt đầu nhìn nhau lạ lẫm. Tôi lạ chị vì tôi chưa quen chị bao giờ. Chị lạ tôi vì tôi người Bắc, tôi lại đang đi dạy ở Nha Trang, có vẻ như ở một “tầng lớp” khác với chị. Tôi chưa biết chị xuất thân từ đâu, nhưng cảm thông và thương ngay, người phụ nữ bé nhỏ đêm hôm lặn lội buôn bán một mình thế này. Mà sao chị buồn thế, chị hay nhìn đi chỗ khác, rất ít khi nhìn thẳng tôi. Một đôi mắt thật đẹp nhưng buồn bã. Có cái gì ẩn náu sâu thẳm bên trong? Tôi không biết, nhưng tôi dễ dàng làm quen với chị. Tôi không muốn chị có gì mặc cảm với tôi, mặc dù cái vẻ bên ngoài, chúng tôi có khác nhau một chút. Tôi không nhớ tôi đã xưng em với chị hay là xưng tên, xưng mình, chỉ biết rằng đêm đêm, khi dỗ con ngủ xong, xem bài vở xong, chúng tôi lại nằm bên nhau tâm tình đủ chuyện. Tôi kể cho chị nghe về chồng tôi, về cuộc sống của chúng tôi ngoài Bắc. Tôi còn đọc cho chị cả những bài thơ MQ làm tặng tôi, đọc hoài mà chẳng bao giờ chán. Những lúc ấy, cả hai đều rơm rớm nước mắt. Tôi xúc động vì hạnh phúc của mình, còn chị xúc động vì mừng cho tôi có người chồng yêu quí, đồng thời buồn tủi về tình cảnh của mình. Chồng chị là sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng hòa, đang học tập cải tạo ở xa. Chị đã xếp mấy chục bộ áo dài quân trắng tha thướt của một cô giáo lại một chỗ, chị đã rời xa cuộc sống  sung túc và hạnh phúc bên người chồng rất mực yêu thương vợ con, xa các con để đi kiếm sống thế này đây, mà phải đâu được tự do. Chị đang buôn lậu, nên phải chịu sự kiểm soát gắt gao của bao nhiêu lực lượng thuế vụ, công an, dân phòng, du kích. Phải, như thế làm sao chị không lấm lét, không nhìn trộm tất cả mọi người, mà tôi càng không phải một ngoại lệ.
           Có một đêm trăng sáng lắm, tôi và chị rủ nhau tắm bên cái giếng khơi. Cả hai cùng cười và bảo nhau không thể ngờ được có một ngày vợ đại úy ngụy lại tắm cùng vợ đại úy cộng sản. Thì có sao đâu nhỉ, chị là mẹ của ba con, tôi là mẹ của hai đứa nhỏ. Chúng tôi đều yêu quí chồng mình, và hết lòng chăm lo các con. Tôi thương chị đến thắt ruột, tôi chẳng có tiền để biếu chị. Tôi chỉ có cái nhìn đồng cảm với chị mà thôi, mặc dù tôi chưa một lần phải chui lủi đi buôn bất hợp pháp như chị. Mà sao bất hợp pháp nhỉ, ừ phải, vì chị trốn thuế, nếu nộp thuế thì còn gì nữa để kiếm miếng cơm bỏ vào ba cái tầu há mồm đang chờ đợi kia tại một miền quê hẻo lánh, mà có phải chỉ vậy đâu, chị còn nuôi cả bố mẹ chồng nữa mà, rồi phải chắt chiu thăm nuôi chồng nữa chứ, tức là mình chị phải nuôi tới bẩy miệng ăn. Bỗng chợt rùng mình, trở về thực tại, tôi tiếp nói bông đùa, và lại hát chị nghe mấy bài hát tình cảm, mà không biết rằng chỉ ngay đêm nay thôi, sau khi tắm gội với tôi sạch sẽ, chị lại lê la bẩn thỉu trên con tàu đêm hôm khuya khoắt, lại bịt hết khăn chỉ hở hai con mắt, để nhìn gần và nhìn xa, cái nhìn vô hồn đã cạn khô những dòng nước mắt tự bao giờ.
          Chị khổ vậy đó, khổ mà còn nhớ mang về cho tôi những trái vú sữa tím, vú sữa trắng. Chị bầy cho tôi cách ăn vú sữa, là bóp cho mềm như bầu vú căng tròn của người mẹ đang nuôi con nhỏ. Và tôi, như một đứa con nít ôm lấy bầu vú ngọt ngào dòng sữa ấm mà lâng lâng quên hết những gì là khốn khó của thực tại, ngỡ mình quay trở về những ngày xa xưa đi đâu đến nhà ai cũng bắt mẹ “kềnh” xuống.mà cho mình bú.
            Chị đối với tôi ngày càng thân tình hơn. Đã không còn những cái nhìn lấm lét nghi ngờ, chỉ còn lại ánh mắt đằm thắm rất mực thân thương. Và tôi, như bị sức mạnh gì huyền bí mê hoặc, cứ mỗi đêm về, là lao vào nằm bên chị, để hai đứa lại rủ rỉ bao nhiêu chuyện không đâu vào đâu, để có một cảm giác mơ hồ rằng, bên tôi, chị đã có thêm một chút, chỉ một chút thôi nghị lực nho nhỏ và sự yên bình; để nhớ rằng, chúng tôi là bạn của nhau, rất vô tình, do mệnh trời sắp đặt, để khi ở bên chị, tôi có thể nhâm nhi gặm nhấm mãi hạnh phúc mà mình đang có. Phải, chỉ ít ngày nữa thôi ra Bắc, tôi lại được nằm gọn trong vòng tay thân thương của người chồng yêu quí, với tiếng gọi trìu mến thiết tha, “vợ của anh ơi”, mà cứ mỗi lần về, vào nhà bắt gặp tôi dù đang ở đâu, đang nấu ăn, đang quét dọn, hay đang tắm rửa cho con mình, anh đã chạy vội để ôm choàng lấy tôi và nói những lời yêu như thế.
           Đêm, tôi có chị. Ngày tôi mải mê dạy học. Tôi say sưa truyền cho học viên lòng nhiệt tình với những tràng lệnh máy rối ren, trong khi cứ cách mấy ngày lại một lần tôi bị chóng mặt. Tôi cố chịu đựng, tôi không cho lớp biết, tôi vẫn nhìn thẳng vào từng người để trao đổi, để giải đáp thắc mắc, mà không thể cúi nhìn trang giấy. Không biết có ai để ý gì đến thái độ là lạ ấy của tôi không, chỉ biết rằng tôi cảm thấy họ thỏa mãn. Chiều về, có má, có con trai, tôi được má chăm lo đủ thứ. Má không ăn được thịt bò, không dám nếm khi nấu ăn, mà má vẫn mua thịt bò về làm đủ món cho hai mẹ con tôi. Má mua những con cá thu to tướng, nấu canh đầu đuôi, còn mình cá làm ruốc. Cái ngọt của ruốc cá thu, thực sự tôi chỉ cảm nhận được khi ấy, coi như những lần duy nhất trong đời. Còn sau này, nhất là bây giờ thì không thể, dù kén chọn đồ ngon đến đâu, mỗi khi ra biển. Soài, má mua cả cây luôn, để người ta hái xuống bỏ vào từng thúng đặt dưới gậm giường chờ chín dần hai mẹ con tôi ăn. Chuối tây, má khệ nệ mang về cả buồng, dựng đó rồi xẻ xuống, cho vào ít cọng rơm, thắp nhang dấm chín. Má sợ ra Bắc tôi không được ăn gì, sợ cháu nội thèm muốn đủ thứ mà không có. Chỉ có mỗi một thứ quả, có ngay trong vườn, mà má và tôi chẳng thể lấy xuống được. Đó là những buồng dừa Xiêm trĩu quả. Cứ khi nào MQ về cơ, anh mới trèo lên hái xuống mà tôi đứng dưới sợ thót tim, chỉ sợ anh không may ngã xuống thôi. Mà đến khi bổ quả dừa ra, cũng lại phải MQ, chứ tôi thì chịu chết.
           Rồi đến ngày kết thúc lớp học. Lâu nay, tôi đi dạy đã nhiều, lần nào tôi cũng vui vẻ say sưa từ đầu đến cuối lớp. Mà không hiểu sao lần này, buổi liên hoan chia tay, mọi người vui mà tôi thì buồn ghê gớm. Tôi cảm thấy ngột ngạt một suy nghĩ vẩn vơ, người giáo viên như lái đò chở khách qua sông. Qua sông rồi, khách không còn nhớ gì về người lái đò nữa. Dào ôi, thì thực tế người lái đò cũng có nhớ khách đâu mà lắm chuyện. Chỉ có một thực tế đang đến gần đây này , đó là tan liên hoan, chia tay mọi người rồi, tôi sẽ trở về ngôi nhà của má, ở đó có má có con trai đang đợi tôi. Nhưng từ mai trở dậy tôi không còn bận rộn tất tả đến lớp học nữa, tôi không còn đắm mình trong những dòng lệnh và thuật toán bé xinh muôn hình muôn vẻ của học viên, không còn được ngạc nhiên đến thích thú khi trao đổi với một  cậu học viên trẻ nhất lớp, rất thông minh, sáng tạo và hiền khô nhưng cực kì tinh tế, không được thoáng nhìn em bằng ánh mắt cảm thông yên lặng khi biết rằng ba em là sĩ quan ngụy đang cải tạo xa nhà. Phải, tôi sẽ rời xa tất cả và không biết bao giờ mới gặp lại họ. Tôi cũng sẽ rời xa chị Bảy, người bạn gái mới vừa kịp thân quen. Tôi cứ nghĩ hoài, cho tới vài ngày sau đó, tôi phải mua vé trở ra Bắc. Tôi sắp xếp hành lí mà lòng buồn vô hạn. Tôi thẫn thờ nhìn giường má ngủ, ngắm ngăn kéo con tôi suốt ngày kéo ra đẩy vào vì mấy bức chụp hình gia đình tôi, ngẩng lên vết dột nay không còn nhỏ nước vì trời mưa. Tôi bâng khuâng ngắm lọ hoa giấy trắng tinh, cắm bao nhiêu ngày rồi mà hoa vẫn y nguyên buổi đầu. Má bảo nó là hoa giấy, nghĩa là mãi mãi như giấy thôi, không héo không tàn.
            Hôm nay, buổi trưa sắp đến giờ tôi lên tầu rồi đây. Tôi ra chợ mua vài thứ cần thiết, quay về thì không thấy má đâu cả. Tôi chỉ thấy con trai đứng lơ ngơ đó, hỏi bà nội đâu con lắc đầu không biết. Tôi đi khắp nhà gọi má ơi má ơi nhưng tịnh không có trả lời. Tôi chạy ra ngoài vườn, cũng không thấy má. Tôi cuống lên gọi:”má ơi con sắp phải đi rồi, sao má đi đâu vào giờ này má?” Tôi kêu ầm lên, nước mắt dàn dụa, quay vào thì thấy má đang đứng nấp trong một chỗ khuất bụi chuối gần bếp mà vô tình lúc đi qua tôi không trông thấy. Tôi ôm chầm lấy má, tôi khóc má cũng khóc. Má bảo “con ơi! rồi ra ngoải thu xếp con vào ở với má có được không con?”. Tôi không dám trả lời. Tôi không dám hứa xuông với má. Tôi còn phải bàn với MQ. Và thực lòng, tôi thương má nhưng chưa đủ dũng cảm xa rời miền Bắc để vào đây. Tôi còn bố còn me, mà vừa rồi, trước khi tôi vào đây, bố đã chuyển sang ở với tôi, không ở với dì kế và em trai nữa. Bố già rồi, bố thích ở đâu cho thoải mái nhất thì chiều bố thôi, và tôi đang còn thu xếp mọi việc để chăm sóc bố được tốt hơn đây này.  Tôi cũng còn bao nhiêu anh chị em ruột thịt, họ hàng bạn bè, mà MQ thì ở đơn vị bộ đội, có phải MQ đang ở Nha Trang đâu. Thành thử tôi đành nói chung chung an ủi má, những lời ấy má chẳng cần chút nào”: “Má đừng khóc nữa. Má giữ sức khỏe má ơi. Con ra Bắc rồi con hoặc anh MQ lại vào với má. Chúng con sẽ đề nghị kết hợp vào đây công tác để gần má, má đừng buồn sẽ sinh bệnh” Tôi không dám nói thêm, vào giờ ấy, đã có hai anh của MQ về trong đó rồi mà, má vẫn có thể ở với các anh chị và các cháu nội. Nhưng mà thôi, sự đời phức tạp quá chừng, không ai có lỗi ở đây cả. Bản thân tôi, tôi cũng chẳng ra gì, tôi chỉ biết lo cho cái gia đình nhỏ bé của tôi là trên hết, và lo cho chính cái bản thân tôi ấy, cứ nói toạc ra thế cho xong đi. Ôi những dòng nước mắt chảy hoài chảy như vô tận, nhưng nó chẳng giải quyết đươc cái gì, nó chẳng xoa dịu được nỗi đau của người mẹ cực chẳng đã phải thốt lên lời với đứa con dâu tội nghiệp và xét cho cùng, nó vẫn không phải là con đẻ của má, mà chắc gì, kể cả là con đẻ đi nữa…ôi trời.
         Và thế là tôi ra đi, mang theo đứa con trai bé bỏng. Nó chẳng hiểu được nỗi buồn của bà nội, nó chỉ khoanh tay và chào bà nội như một cái máy mẹ nó dạy cho. Nó đang có đoàn tàu hỏa chờ đợi, nó có chú lái tầu chờ đợi, nó có bao nhiêu chiếc hầm kì thú vẫy gọi cùng với những bài thơ và giấc mơ của con trẻ đưa nó vào cõi riêng êm đềm hạnh phúc.

          Lên tầu, vé của tôi là ghế giữa, hai bên là hai ông bộ đội. Tôi nói với hai ông ấy rất nhã nhặn, rằng tôi bị say tầu, và con nhỏ, nên một trong hai ông đổi dùm chỗ để tôi được ngồi dựa vào cửa sổ tầu, hoặc ngồi liền ngoài lối đi. Nhưng cả hai ông đều kiên quyết không đổi và bảo, “chỗ chị chị cứ ngồi, không phải đổi gì cả”. Tôi hơi bực mình nhưng chịu vậy. Tôi quyết định bỏ hẳn chỗ ngồi ở giữa của mình cho hai ông ấy rộng chỗ, rồi trải ni lon xuống sàn, mẹ con ôm nhau ngồi đó. Lúc nào bé ngủ thì tôi đặt cháu nằm xuống luôn, còn tôi thì ngồi vật vờ đầu gối quá tai! Rồi đêm đến tôi định bụng mẹ con sẽ ngả lưng luôn cho tiện.
         Nhưng chưa đến đêm thì đã xảy ra chuyện rồi. Người ta buôn gạo ra Bắc (từng túi nhỏ 2kg, 5kg, 10kg...) ném lên vèo vèo. Mẹ con tôi bi mấy chưởng tối tăm mặt mũi. Tôi kêu lên: “ Ơ này các ông bà ném vào người bọn tôi rồi này, từ từ lên rồi xếp chứ” Vô ích, ai ném cứ ném ai kêu cứ kêu, tôi đành bế con, không ngồi không nằm gì được nữa, đợi qua cái lúc tầu đỗ họ tập kết gạo, mới ngả xuống tấm ni lon như cũ. Hai người đàn ông vẫn vô tư ngồi thoải mái. Tôi buồn quá, vừa bực với họ vừa bực với chính mình, vì khi mới lên tầu trông thấy hai ông bộ đội tôi đã chót sướng rên nghĩ mình may rồi, tầu chật chội gặp được bộ đội sẵn lòng giúp dân ở ngay chỗ ngồi bên cạnh! nào ngờ...
           Đêm đến, đỡ nhộn nhạo hơn. Mọi người mắc võng, trải sàn, mẹ con tôi thì chiến đấu với tấm nilon của mình thôi. Tôi vốn khó ngủ, nên nằm cho đỡ chóng mặt, chứ không thể chợp mắt được, chủ yếu là ôm con nhìn con ngủ. Tôi thấy tủi thân quá, lại rơm rớm nước mắt nhớ má, nhớ 60, 70 đêm ngủ tại nhà má, nhớ bao đêm chuyện trò tâm tình với chị Bảy. Cứ thế cho tới sáng sớm, tụi tôi tiếp tục bị ném gạo, ném đủ thứ bịch gì nữa. Lần này tôi la to hơn, “ơ kìa, con tôi bé tí nằm đây mà sao mọi người cứ ném bừa thế vào hết cả mặt mũi thằng bé rồi này”. Vẫn vô ích thôi. Tiếng chân người chạy huỳnh huỵch, tiếng gọi nhau í ới, vội vã, hối hả, tiếng la yếu ớt của tôi chẳng có nghĩa lí gì. Tôi đành đứng lên, lại chờ đợi, mà bây giờ thì xung quanh chật cứng các loại bao, không thoang thoáng như trước nữa. Tôi phải tự trấn an cho mình, thôi nào đừng bực nữa, họ phải đi buôn, phải mưu sinh mà, họ có được hưởng lương như mình đâu, trách móc họ chi cho tội nghiệp.
             Mãi cũng phải hết các ga người ta khuân gạo buôn ra Bắc. Bây giờ thì đến ga “Gà” rồi. Khổ thân con tôi, không có lúc nào nhởn nhơ đọc thơ cho khách nghe, chẳng có lúc nào mẹ con đếm hầm tầu đi qua nữa. Bù cho nỗi khổ hai mẹ con phải chịu đựng, lần này tôi mới quyết tâm xì ra năm đồng mua một con gà nhỏ xinh, cũng xé ra, chấm muối cho con ăn phần nạc, chấm muối tiêu cho mình ăn cái đầu, cái cánh, chỗ xương, chả phải mời “bố con thằng nào” vì ai cũng mua gà to hơn mình! Vậy là tức bực mệt mỏi ông Trời cũng thương nên cho phép mình móc hầu bao chứ, còn như lúc vào thơ thơ phú phú có mà hết hơi. “Dưng mà” bọn gà nếu sống lại chắc sẽ cảm ơn mình lắm lắm.
             Tầu chạy về Hà Nội, dọc đường, Tuấn cũng được mẹ hào phóng mua thêm cho ít khoai lang, ngô luộc, và cũng có thời gian nhẩn nha ôn lại số hầm tầu đi qua. Cậu ta có vẻ khoái chí lắm, nên khi về đến nhà là “quay đĩa” cho mọi người nghe ngay thôi.
              Ông ngoại đã sang đây ở với bà me và mẹ con tôi rồi, vì ông muốn thế. Ông bà nấu ăn riêng cho hợp khẩu vị người già, còn mẹ con tôi khi nào có bát canh ngon hay khi MQ về có gì cải thiện thì đem mời ông bà. Nhớ lại khi bố còn ở bên em Vinh, có hôm tôi muốn ghé vào thăm bố lắm, vì nghe tin bố ốm mệt, nhưng ngần ngừ không vào, chỉ vì tôi chẳng có quà gì biếu bố. Ngày ấy tôi nghèo quá. Có trải qua cảm giác đó mới thông cảm, còn thoạt nghe thấy thật vô lí, ai chẳng biết thăm nom là chuyện quan tâm, là tình cảm, chứ lệ thuộc gì vào quà cáp. Phải đến một lần, tôi nghe tin bố ốm nặng, bị đục thủy tinh thể cả hai mắt, mắt mờ dần đi, tôi không cầm lòng được mới chạy sang (vẫn tay không) và khóc òa lên lay gọi:”bố, bố ơi bố hãy sống với chúng con, bố đừng chết bố ơi…”. Chắc bố tôi tỉnh vì thấy ông rơm rớm nước mắt. Lâu nay, tôi không còn gửi tiền sang bố đỡ một phần nuôi em nữa rồi, vì em đã ra trường, lại làm việc ở nơi toàn đi nước ngoài như đi chợ, những tưởng bố được an nhàn sung sướng hơn, nào ngờ bố lâm bệnh.
             Ngoài đi công tác giúp phòng máy địa phương làm chương trình, qua gợi ý của bạn Mai đi học từ Đức về, tôi đã đọc toàn bộ hệ giải thích (phần mềm hệ thống viết bằng lệnh máy) để phân tích, học lỏm từ họ thuật toán, mẹo lập trình, cách chọn địa chỉ tối ưu, tự lập ra những chương trình con riêng dùng cho tiện trong khi giải quyết các bài toán của mình, nhất là khi làm bài toán lớn, cần nhiều bộ nhớ trong và ngoài. Không kể giờ làm việc, cả khi đang ngồi làm thêm, tay thì ngó ngoáy các thứ theo thói quen, còn đầu thì lúc nào cũng như có hàng trăm hàng ngàn  dòng lệnh máy đang nhảy múa. Rồi chập chờn ngủ chả yên. Ai đã từng lập chương trình máy tính dù hiện đại hay thô sơ chắc sẽ cảm thông với tôi nhiều về điều này. Những lúc như thế, tôi tạm quên đau đầu, để đến khi dừng dòng suy nghĩ thì cũng là lúc buông hết mọi thứ, đi tìm ngay cái khóa đồng to tướng để sẵn mà đập cồm cộp vào giữa đỉnh đầu, và vào sau gáy. Mùa Đông, nhìn tôi ai cũng thấy tôi như khỏe ra, đôi má căng hồng trông thật khí thế, nhưng có ai biết đâu, đôi chân tôi lạnh ngắt buốt như đá. Thì máu huyết dồn hết lên đầu mất cả cân bằng, đi khám ông lang, ông ấy bảo phải chữa bằng cách uống thuốc bắc thuốc nam gì ấy để “dẫn hỏa qui nguyên”! Hỏa phải tập trung về đúng chỗ của nó. Sau này tôi tập khí công mới biết là dồn về Đan Điền phần gần rốn rồi từ đó điều hòa khí huyết khắp cơ thể thì mới ổn, chứ hỏa bốc lên đầu thế lại chả đau đầu à.
             MQ lo lắng cho bệnh đau đầu của tôi lắm. Có kì nghỉ hè, MQ kiên trì tối nào cũng đưa tôi lên một ông lang chữa bệnh bằng châm cứu bấm huyệt. Khi mới đến, chưa biết có chữa được không, nhưng ông ấy muốn chứng minh về khả năng “điều khiển” bệnh tật, nên ông ấy bảo “chị bảo chị ít ngủ đau đầu hả, trước tiên tôi bấm huyệt cho chị ngủ nhé, chị sẽ ngủ lập tức ngay tại bàn này”. Cả tôi cả MQ đều ngạc nhiên, thoáng phân vân nhưng thôi không sao cứ để ông ấy bấm xem nào. Ngay lập tức, tôi gục xuống ngủ thật, thế mới tài chứ. May tôi để ý lúc ông mới bấm xem bấm ở đâu, sau này, khi về hưu rồi rỗi rãi, tôi ngồi đọc một đống sách châm cứu bấm huyệt con rể mua về cho mẹ vợ, tôi nhặt từ mỗi quyển một ít, kết hợp thành một “bài” của riêng mình, tất nhiên có nhớ lại động tác của ông lang kia, thế là tôi điều khiển được giấc ngủ của chính mình, chính xác đến từng mức độ, đến đâu thì còn tỉnh, đến đâu thì bắt đầu ngáp, đến đâu thì đi vào lơ mơ, đến đâu thì chìm đắm trong mộng mị và ngủ thật. Cách đây mấy năm tôi bệnh nặng và mất ngủ nhiều, nhờ có việc làm này mà bỏ được  hết hàng đống thuốc ngủ của cả tây lẫn ta. Thú vị nhất là lúc bắt đầu ngáp đấy. bài ấy như sau: lấy 10 đầu ngón tay miết từ giữa trán sang hai bên, rồi vuốt cào từ trán ra đầu phía sau, vuốt hai bên động mạch cổ, bấm day giưa hai lòng bàn tay, bấm nơi giao nhau của ngón trỏ và ngón cái hai bàn tay, day hõm khuỷu tay của hai cánh tay, bấm cổ tay đằng trước gần phía ngón cái, và đằng sau gần phía ngón út, xoa bụng quanh rốn, day dưới rốn chừng một ngón tay. Mỗi thứ làm số lần bằng bội của 9, ví dụ 36, hoặc 45 lần, 54 lần tùy thích. Ví dụ bấm day giữa lòng bàn tay thì đếm 1, 2, 3, 4...tới 36 thì chuyển sang động tác khác chẳng hạn. Riêng xoa bụng và dưới rốn nên làm số lần nhiều hơn, cỡ 108, 117... thì tốt.
            Chuyện kể cho vui vậy, chứ sau cái màn biểu diễn tài điều khiển giấc ngủ, tôi theo ông ấy chữa mà có khỏi đau đầu đâu. Không sao, không khỏi nhưng để lại tình cảm sâu sắc vì sự quan tâm và chịu khó của chồng mình, đèo vợ trên poóc ba ga xe đạp xa ơi là xa, để đi châm cứu bấm huyệt mỗi tối; và tưởng tượng thao tác vị trí bấm huyệt của ông lang để kiểm chứng cho bài bấm huyệt tự diễn của mình.
              Chữa ông lang ngoài mãi chả khỏi, thôi đành về chữa kiểu nhà nước, để mình đỡ tốn tiền. Tôi mới đi khám chữa bệnh ngoại trú ở một bệnh viện y học dân tộc. Hàng ngày, từ cơ quan, trong giờ làm việc hẳn hoi, tôi đến để được châm cứu. Mới châm được độ mươi ngày, chưa thấy suy suyển, thì một hôm bỗng dưng sau khi được châm một lũ kim vào các huyệt đầu, cánh tay, tôi thấy đau nhức ở một huyệt chỗ cánh tay. Tôi gọi các cô nhân viên quanh đó, vì cái cô châm cho tôi đi đâu rồi ấy.
- Chị ơi! Tôi đau nhức quá, không biết sao hôm nay đau thế này, tôi không chịu nổi.
- Ồ không sao đâu, chị chờ một tí, người châm cho chị vừa chạy đi đâu một tí rồi quay lại mà-Một cô đáp.
- Tôi đau lắm chị ơi, không thể chờ được đâu. Tôi vốn chịu đựng khá chứ không đến nỗi hơi một tí là kêu đâu chị. Nhờ chị bỏ ra dùm rồi lúc khác làm vậy  (nếu như tôi không bị châm đờ cả hai tay thì tự tôi đã nhổ nó ra rồi) - Tôi kêu to lên.
Một nữ nhân viên chạy đến và nhổ kim ra. Không những thế, cô ta còn nhổ hết, ngại tôi có làm sao. Quả nhiên, tôi làm sao thật. Cánh tay tôi bị yếu lắm đơ ra thế nào ấy. Mấy cô nhân viên vội vàng lấy đủ thứ dầu nọ thuốc kia bôi bôi xoa xoa, vô hiệu quả. Họ lẩm bẩm cái gì tôi chả buồn nghe rõ. Mà tôi hiền thật đấy chứ, cứ cung cúc ra nhận ít thuốc rồi đi về. May mà đó là cánh tay trái nên dù yếu, tôi vẫn gượng tự đi về nhà bằng xe đạp.
            Về nhà, vẫn làm đủ thứ có nghỉ được đâu, rồi hôm sau lại đi làm bình thường, nhưng khác là tôi ngại không đến châm cứu tiếp nữa. Thế rồi, vài ngày sau thì tôi liệt hẳn cánh tay trái, tôi không múc được nước giếng nữa vì kéo gầu lên phải kéo bằng cả hai tay. Tập mãi kết hợp đủ thứ mới múc được ít một. Thường ngày, tôi là chủ lực múc nước vào cái thùng phuy 200 lít. Bây giờ tôi đau tay, thì me tôi phải múc đỡ tôi, đến là khổ, tôi có muốn thế đâu. Tôi thương me vất vả với các cháu, lại còn khổ thêm vì tôi nữa. Tôi kiên trì xoa bóp, và phải đúng hai tháng sau mới trở lại bình thường. Từ đó, không bao giờ tôi châm cứu nữa. Thế là đành ngậm ngùi mang bệnh và chịu đựng. 
Trích Hồi ký: NỤ CƯỜI VÀ NƯỚC MẮT
của Bùi thị Kim Thư
(Còn nữa)

4 nhận xét:

  1. Đọc xong lúc 1h50' sáng 15-8-2013 .Tưởng bấm huyệt,châm cứu khỏi mất ngủ & đau đầu...,té ra VẪN KHÔNG ĂN THUA GÌ,lại còn bị CÁC THỰC TẬP VIÊN châm nhầm huyệt HỬ ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Úi, anh Duy Dự đọc nhiệt tình thế thì tác giả càng thấy "trách nhiệm" của mình ... "nhớn" hơn trong trường hợp viết chưa đạt.
      MQ không bao giờ đi châm cứu nữa đâu anh! ít ra là đến ... bây giờ he he... Cảm ơn anh lắm.

      Xóa
  2. Đoạn văn độc đáo,thích nhât trong chương này là đoạn GẶP GỠ TÌNH CỜ GIỮA VỢ ĐẠI ÚY NGỤY & VỢ ĐẠI ÚY CỘNG SẢN . SỰ CẢM THÔNG GIỮA 2 NGƯỜI VỢ LÍNH MANG TÍNH NHÂN VĂN RẤT CAO . SONG RẤT TIẾC,TÁC GIẢ CHƯA ĐI HẾT CẢM XÚC CỦA MÌNH,nên chưa tạo được ĐIỂM NHẤN THẬT ẤN TƯỢNG.

    Trả lờiXóa
  3. Đấy! cứ phải là tiếc hùi hụi. Thú thật với anh, riêng về chuyện này, MQ không dám "thả phanh" (vì sao thì mong anh hiểu và thông cảm được với MQ). Nhận xét của anh quá chính xác rồi. Khi nào rảnh, anh sang Blog HMQ đọc bài TÌNH BẠN nhé.
    Lúc trước, MQ cảm ơn anh lắm, bây giờ thì MQ cảm ơn anh nhiều ạ.

    Trả lờiXóa