Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

CHƯƠNG 9. BUỒN VUI LẪN LỘN (tiếp theo)


 Chuyến đi Nha Trang đặc biệt. Hai đại tang.
                Tôi đang nuôi con trong một hoàn cảnh bận rộn như thế thì một đêm, tôi nằm mơ anh Hưng đến nhà chơi. Bước vào đến cửa, tôi đon đả:
- Chào anh Hưng. Mời anh vào chơi. Hôm nay có việc gì mà rồng đến nhà tôm thế này?
- À không, mình đến thăm các cụ thôi
- Anh Hưng cười vui vẻ.
- ???
         Tôi choàng tỉnh giấc. Một nỗi kinh hoàng vụt đến. Người ta vẫn đồn rằng anh Hưng khi chết, chết trẻ, nên thiêng lắm, nhà ai tự nhiên gặp anh trong giấc mơ đến chơi ắt là có chuyện, dứt khoát có người ruột thịt trong nhà sẽ ra đi, không bố mẹ thì anh chị em (tôi chợt nhớ lời kể của ai đó đã từ lâu lắm rồi sau khi anh Hưng mất được mấy năm). Chưa kịp hoàn hồn, nhắm mắt vào, tôi lại thấy anh Sinh. Trời ơi, đến nước này thì không thể nào ngủ tiếp được nữa. Anh Sinh là bạn cùng lớp với anh Hưng trong trường đại học, anh Sinh cũng chết rất trẻ, khi mới chỉ ngoài 30. Hai anh học trên tôi ba lớp. Tôi quen biết các anh, phần vì cùng trường cũ, phần vì cùng đơn vị công tác, nhưng khác phòng, không thân. Vậy sao các anh mất lâu lắm rồi, từ cả chục năm khi tôi mới sinh con đầu lòng, tôi bận rộn có nhớ gì đâu, mà các anh đến với tôi trong giấc mơ? Anh Hưng còn bảo thăm các cụ là thế nào nhỉ? Các cụ là…bố mẹ tôi ư? Hay má trong Nha Trang? Không thể thế được! bố tôi đành rằng nằm liệt trên giường, nhưng ăn uống và ngủ được,  chỉ thi thoảng nói lẫn, có gì nguy nan đâu. Mẹ già tôi còn khỏe và xốc vác lắm. Má chồng thì vừa mới gửi thư qua người quen ra cho tôi, còn gửi quạt máy sắt ra cho mẹ con tôi đỡ nóng. Má có ốm đau gì đâu? Hoảng hốt, tôi kể lại  chồng nghe. Anh gạt đi và bảo:”Không sao đâu, em mệt nên nằm mơ linh tinh ấy mà”.
           Sáng hôm sau, một bức điện khẩn gửi đến nhà tôi. Anh Quảng, anh  của chồng tôi ở Nha Trang điện ra “má ốm nặng đang hấp hối, các em về ngay”. Vợ chồng tôi nhìn nhau lo lắng và đau xót, không còn để ý  gì giấc mơ nữa, chỉ quýnh lên thu xếp mọi việc.Chồng tôi bảo:
- Con còn bé quá, mới bốn tháng, vừa ốm dậy, suýt chết qua một trận sốt xuất huyết và xung huyết phổi, đang tạm bình phục có vài ngày nay. Ông ngoại thì như thế, thôi em ở nhà, anh đi một mình thăm má kẻo muộn mất.
- Không đâu, bằng mọi giá, em sẽ bế con đi cùng anh. Bà nội chưa biết mặt cháu, và em không thể không được gặp má lần cuối cùng. Nếu má có mệnh hệ nào thì em ân hận lắm. Chúng mình sẽ ra ga mua vé tầu Thống Nhất đi ngay
- Tôi kiên quyết.
           Anh biết tính tôi, ương ổi lắm, nên phải đồng ý, chỉ băn khoăn nhất bé Hương đang yếu quá. Buổi trưa, chúng tôi đạp xe đến nhà trưởng phòng Trung, xin nghỉ phép vào Nha Trang (ngày ấy, nghỉ đẻ chỉ có hai tháng, tôi gửi nhà trẻ quá sớm nên cháu bị suy dinh dưỡng nặng, tiêu chảy liên miên, mà tôi vẫn phải đi làm bình thường. Có điều cháu mới ốm dậy nên tôi còn đang nghỉ con ốm để chăm cháu). May quá, anh ấy rất sốt sắng quan tâm:
”Tôi rất thông cảm với anh chị. Tôi sẽ làm công lệnh cử chị đi công tác tại Nha Trang kết hợp để chị vào được với bà mà đỡ tốn kém. Tôi biết anh chị rất khó khăn”. Tôi cảm ơn rối rít và thầm nghĩ anh ấy thật tốt quá. Thế là mọi việc trôi chảy ngay trong buổi chiều. Sau khi nói với me tôi và báo cho mấy chị em gái, cho em dâu ở gần  thường vẫn thay phiên nhau chăm bố, tôi mếu máo: ”Bố ơi, con phải vào Nha Trang, má con bệnh nặng, chúng con  mang cháu Hương đi. Bố chịu khó ăn uống và ngủ nhiều nhé, mọi việc ở nhà có me con và các chị em thường xuyên đến với bố”. Bố tôi hỏi bao giờ tôi trở lại, tôi bảo chắc cùng lắm là mười ngày.
           Rồi vợ chồng tôi thu xếp hành lý vội vã ra ga, may mua hai vé được ngay rồi lên tầu. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Biết rằng chuyến đi sẽ vất vả và căng thẳng nhưng dù sao đi được ngay là tốt rồi. Tuy nhiên không hiểu sao tôi cứ nghĩ lẩm cẩm: mọi việc mà trôi chảy ngay từ đầu thế này chưa chắc đã ổn, sẽ sinh sự về sau. Nhưng thôi tạm quên đi vậy.
           Chúng tôi đi, với cái ba lô đơn giản, mấy bộ áo quần, một ít tiền tạm ứng lương và công tác phí. Thức ăn là vài  nắm cơm muối vừng, cùng với hai hộp sữa đặc có đường, như sữa ông Thọ bây giờ ấy, để cho bé uống phụ với bú sữa mẹ. Lòng đầy lo âu, dọc đường chúng tôi chỉ im lặng, mong sao tầu chạy nhật nhanh mà về với má. Bé Hương, con tôi, dường như biết bố mẹ lo lắng điều gì nên không quấy khóc. Tôi, lần sinh này ít sữa hẳn, cho bé bú mà có được gì mấy đâu. Lại đi đường, thao thức, bé chỉ trông mong vào bình sữa ngoài thôi, và thi thoảng mẹ cho ăn chuối tiêu. Bé cứ ngoạm dần cả quả mặc dù chưa có cái răng nào.
          Vợ chồng tôi thì ăn mấy nắm cơm muối vừng, uống nước nguội trong can mang theo. Nhìn tầu đỗ các ga thấy bán quà nào các loại xôi, miến, trứng vịt lộn, phở, bánh dầy giò chả,…chao ôi là nhiều, nhưng bần cùng lắm chúng tôi mới đáo qua tí chút, chứ không thèm thuồng gì lắm vì biết rất rõ túi tiền của mình. Chỉ có một loại thức ăn được đặc biệt quan tâm đó là khi tầu đột nhiên dừng giữa đường, chúng tôi mua những bắp ngô, củ sắn củ khoai luộc để nhấm nháp cho êm bụng mà không tốn kém bao nhiêu.Thi thoảng bé Hương được mẹ nhấm tí khoai lang mớm cho. Bé cười yếu ớt trông tội nghiệp lắm, da nó thật trắng nhưng xanh, người bé nhỏ một cách bất thường so với trẻ cùng lứa.
Dọc tuyến đường này, người ta còn bán nhiều quả trứng gà (có phải miền Trung và miền Nam gọi là quả Lê ki ma không nhỉ), trứng gà tròn, trứng gà dài đủ loại. Quả nào cũng chin mềm, ăn ngọt lự. Ngoài Bắc, có trứng gà đấy nhưng quả nhỏ, chín ngọt mà không thể có cái cảm giác bùi bùi ngậy ngậy và ngọt sắt như khi ăn trái trứng gà bự của miền Trung. Trái cây này quá nhiều nên rất rẻ, người người mua cả rổ cả mớ luôn. Bọn tôi tất nhiên cũng làm một mẻ ăn dần vì cả hai vợ chồng đều thích ăn ngọt và đói bụng nữa.
             Rồi tầu qua ga Quảng Ngãi, ga nổi tiếng bán gà luộc cả con chấm muối tiêu. Nói đến đây, bây giờ chả thiếu gì gà luộc mà thật lòng tôi vẫn còn nguyên cái cảm giác ngon lành say sưa hứng thú khi ăn cái món “đặc sản gà” ở ga này. Cảm giác ngon lành ấy có được là do
cái lần mang Tuấn vào Nha Trang dạy học và những lần sau này đi tầu vào miền Trung, miền Nam, chứ còn chính chuyến đi tôi đang kể chuyện, thì làm sao mà vợ chồng tôi dám bạo gan mua nó dù chỉ là một con gà bé nhất. Bé Hương con gái tôi thì ngơ ngác nhìn, có khái niệm gì về gà luộc đâu nên cũng còn may mắn chán!
          Ừ, vậy còn những ga nào nữa nhỉ để các con về với má, cháu về với bà nội? Chúng tôi mệt mỏi và vẫn im lặng, đêm có ngủ đâu, nên mặt mũi hai tên đều phờ phạc. Thi thoảng MQ chăm chú nhìn tôi, đôi mắt to và sáng lúc này hơi thâm quầng, đầy buồn rầu và thương cảm. Tôi thường phải tránh đi cái nhìn ấy, chả biết vì sao, chỉ nựng con gái thôi, loay hoay lo xi bé tè trong lúc mình luôn bị choáng váng vì say tầu. Chuyển bé sang bố bế thì bé đòi sang mẹ,
bé biết theo rồi. Bố đi bộ đội rồi chuyển dạy ở trường, xa nhà mà. Mấy đứa lớn cũng vậy, chỉ hay quấn mẹ hơn. Tôi hay trêu mà là nói thật với chồng:“Các con dựa vào em còn em thì dựa vào anh.Liệu sau này anh có dựa các con không, và như thế nhà mình thành một vòng tròn dựa dẫm nhau, sẽ vững vàng lắm đấy”. Ôi lan man quá, phải trở về câu chuyện chính chứ. Qua cái màn gà luộc ngon lành này, trời bỗng đổ mưa, mưa như trút nước, mưa liên tục, gió rít ào ào qua khe cửa những khoang tầu. Đoàn tầu đi chậm lại, không phăm phăm như trước nữa. Hành khách đều thấy mỏi mệt buồn nản chả cứ gì vợ chồng tôi ruột gan nóng như lửa đốt. Má ơi! con cầu Trời khấn Phật má đừng ra đi vội quá, chúng con và cháu nội út của bà đang trên đường về với má, với bà nội đây. Chúng con thương má lắm. Má có đau đớn lắm không? Má bệnh từ bao giờ mà không cho chúng con hay biết? Có phải vì má thương con mới sinh cháu nên cứ chịu đựng và dấu chúng con??? Những giọt nước mắt rơi…chịu, khách ngồi bên chả hiểu sao đôi vợ chồng này có vẻ yêu nhau mà cô vợ lại khóc.
          Trời mưa, sao cứ mưa mãi thế nhỉ, đến ga nào rồi nhỉ.Chợt loa phóng thanh nhà ga vang lên đại loại như sau “Kính thưa quí khách, vì thời tiết quá xấu, mưa bão tràn vào đã gây ngập lụt nặng trên tuyến đường sắt, chúng tôi dự báo tầu chỉ có thể đến ga Diêu Trì thì phải dừng lại, tạm thời không thể chạy tiếp. Chúng tôi đã tìm cách để quí khách có thể tăng bo qua đường bộ nhưng đêm qua, toàn bộ các cầu đều bị hỏng nặng, nên không thể.
Đề nghị quí khách chuẩn bị tinh thần, có thông tin gì mới chúng tôi sẽ thông báo sau”. (Tôi kể  đại ý thế chứ không thể nhớ chính xác lời thông báo, mọi người thông cảm nhé kẻo lại bảo đấy không phải giọng của nhà tầu mà tôi cứ cho vào ngoặc kép).
           Cả đoàn tầu xôn xao. Cả đoàn tầu nhớn nhác. Tôi mệt quá, ôm con ngồi vạ vật dựa lưng vào những nơi có thể, lòng đầy sợ hãi xen lẫn ngao ngán. Chồng tôi thì đi sang các toa thăm hỏi nghe ngóng bàn luận tình hình xem có cách nào về Nha Trang được nữa không.
Một lát sau anh quay lại. Vô ích. Tầu đến Diêu trì sẽ dừng lại. Thế thôi. Không biết đến lúc nào tầu mới chạy tiếp.
         Diêu trì đây rồi. Đêm vẫn mưa hoài. Tầu đứng ạch ra đó. Hầu như chả ai chợp mắt nổi. Đưa con đang ngủ cho chồng bế, tôi thở dài nằm xuống tấm nilon trải trên sàn và nghĩ miên man. Giờ này Nha Trang có ngập không má ơi! Ai đang ở bên cạnh má? Chắc má đang đợi chúng con về? Chúng con thì nằm đây, vô duyên quá trên con tầu vất vả đen đủi này, và bất lực. Mấy ngày nay, ở nhà bố ra sao rồi? các chị có trở mình cho bố thường xuyên không?, có cắt móng tay cho bố không? Bố có mong con về không bố? Con về sẽ kể chuyện nhiều cho bố nghe về những gì đã xảy ra với con, với gia đình mình bố nhé. Con đi vắng, chắc me vất vả hơn nhiều, các cháu có đi học ngoan và nghe lời bà không ạ? Hôm đi vội quá con chẳng kịp dặn dò gì các cháu, may mà có bà để phó thác. Con biết làm gì bây giờ?
             Đêm vô tình kéo dài tưởng như vô tận, nhưng rồi trời cũng sáng dần. Đoàn người lũ lượt đổ xuống sân ga, lếch thếch. Mưa không còn nặng hạt, nhưng vẫn rả rich, lúc lất phất bay bay. Trời lành lạnh. Những ánh nắng yếu ớt đôi khi le lói rồi vụt tắt.
             
Chúng tôi để ba lô trên tầu, chỉ mang theo mấy cái tã của con, hộp sữa và đồ dùng lặt vặt cho bé. Còn ví tiền ít ỏi cùng vé đi tầu, giấy tờ công tác thì tôi giữ chặt trong mình rồi. Chúng tôi lang thang đi quanh quẩn cách nhà ga chỉ chừng vài trăm mét, không dám đi xa vì lo nghe ngóng thông báo tin tức mới. Lúc này làm gì còn cơm nắm muối vừng nữa, ngô khoai sắn luộc bây giờ trở thành thức ăn lý tưởng, chúng vẫn được bán đâu đây nhưng không thể tạm bợ thót tim xì tiền ra mua  nữa, vì biết chắc rằng mấy thứ đó không thay cơm được mãi khi mà chúng tôi đã mệt lả rồi. Chúng tôi đành quyết định vào thuê một chỗ trọ trong khu chợ gần ga, với giá rẻ nhất. Gọi là chỗ trọ nhưng thực ra chỉ để mượn một chiếc nồi con, xin mấy hạt muối trắng, rồi tự đi mua gạo, nhặt củi rác xung quanh nấu cho được nồi cơm, vậy thôi, chứ không nghỉ ngày ngủ đêm chi hết bởi ngày thì chúng tôi còn phải dắt nhau đi dạo cho đỡ sốt ruột và tâm trạng đỡ bất an, đêm thì lên tầu ngủ - ngủ dưới sàn tầu chả tốt hơn ư vì không tốn tiền nữa, mà yên chí còn cái ba lô hành lí. Bé Hương vẫn vậy nhưng uống sữa phải dè sẻn hơn, và nải chuối tiêu lúc nào cũng có bên cạnh, đắt rẻ gì cũng phải có cho bé cầm cự, sữa mẹ chỉ còn là thứ “đét se” cho bé thôi. Chồng tôi sót xa thương vợ, bảo tôi ăn đi một bát phở cho lại sức, nhưng tôi lắc đầu, tôi cứ khư khư giữ mấy đồng bạc trong người, biết sự thể ra sao mà ăn phở trong lúc này? Bây giờ nhớ và ghi lại, nghĩ, cũng thấy lạ. Sao hai vợ chồng không ăn đại đi nhỉ, để có sức mà chiến đấu với những sự cố mới. May tôi không lăn cổ ra chóng mặt, chứ nếu thế thì còn khó khăn thêm biết chừng nào (mọi khi tôi rất hay bị chóng mặt, nhất là khi đổi thời tiết, khi mất ngủ, căng thẳng. Lần này, chắc là do trời còn thương). Đúng là “cái khó bó cái khôn” chứ không phải “cái khó ló cái khôn” thật.
             Không phải chỉ một ngày lang thang quanh ga Diêu Trì, mà là ba ngày! Trời không mưa nữa, quang đãng, nhưng chưa khắc phục được hậu quả bão lụt, chưa thông đường kể cả đường xe lửa và đường bộ, nên hành khách cứ việc mà r
ong chơi, mà chờ đợi trong im lặng. Lúc đầu, thi thoảng nhà tầu còn thông báo, sau nản luôn hay sao ấy nên thôi. Vợ chồng tôi cứ ngày ngày nấu và ăn cơm với muối tại nơi trọ, và có bữa luộc thêm một mớ rau nữa. Hộp sữa ít ỏi cho con cạn dần. Hai vợ chồng thay nhau bế con xem đám đông người ta bán thuốc, quảng cáo, làm xiếc, biểu diễn tài nghệ (ngày nay biết là Yoga) lấy tay chặt gạch vỡ đôi, đâm kiếm vào bụng không thủng, rồi ảo thuật các kiểu. Anh cười nhăn nhó bảo tôi “Mình chẳng bao giờ nghĩ có lúc bồng bế nhau đi xem xiếc với ảo thuật ngoài trời trong khi bụng đói đầu lo như thế này em nhỉ”. Lúc nào mệt quá vợ chồng tôi đi kiếm gốc cây có bóng mát, trải nilon ra nằm vắt tay  lên trán mà không biết nghĩ gì. Đêm thì quay về tầu mà ngủ, không ngủ được thì giở mình liên tục trong cái chật chội bức bí đau đến kinh người
            Sau ba ngày ba đêm kẹt ở Diêu trì, nhà tầu có thông báo mới. Mỗi vé tầu được nhận một xuất cơm dĩa.Hành khách sẽ ăn trong vòng một giờ đồng hồ rồi đoàn tầu trở ra Hà Nội, vì không thể đi tiếp! Ngắn gọn hay dài dòng cũng chỉ có thế. Thôi thì “nhắm mắt bước qua chỗ lội” mọi người lục tục nhận xuất cơm ngon lành đầu tiên và cũng là cuối cùng của một hành trình dở dang ngốn ngót nghét một tuần. Vậy là có hành trình khoảng mươi ngày như tôi tiên đoán khi trả lời câu hỏi của bố tôi rằng bao giờ con về.
Chẳng biết tả cảm giác lúc đó như thế nào, chỉ biết rằng cơm ngon, ăn hết xuất, không phải trả tiền, nhưng lòng thì tê dại bội phần.
           Đoàn tầu xình xịch chạy bỏ lại đằng sau rác rưởi, cứt đái tung hoành bừa bãi.
Hành khách chán và mệt chả ai muốn bàn luận gì nữa. Chúng tôi thì khỏi phải nói rồi. Mãi đến khi qua Bình Định đoàn tầu mới dường như được sống lại, bởi người ta đua nhau kẻ mua người bán những quả dừa già (để uống nước thì phụ mà để lấy cùi dừa là chính rang lên, kho lên ăn với cơm). Hồi ấy, loại dừa này nghe nói có “giá” lắm khi ra Bắc. Nhiều người cố tình mua nhiều để bán kiếm lời (!) Tôi không là một ngoại lệ tham gia cuộc mua bán này. Tôi nhẩm tính khá nhanh, âu cũng tự hào là mình có một “khả năng” đặc biệt. Có một lần, tôi đi chợ, mặc cả mãi thứ gì đó tiền tính theo cân, mà mua theo lạng lẻ. Thoáng cái, tôi đã biết nó là bao nhiêu. Cô bé bán hàng loay hoay bấm tính mãi rồi hô lên con số lạ. Tôi không chịu, cười và bảo cháu tính lại đi, nó là … thế này cơ! Cô bé tính lại và chịu tôi luôn. Tôi trêu cháu “cả đời chúng tao, học mãi rồi quên hết chỉ còn cái lợi thế lớn nhất là tính toán nhanh, mà còn tính sai thì ra thể thống gì nữa?” Bởi vậy lúc này tôi nhẩm ngay, với số tiền ít ỏi của mình, sau khi dành riêng một phần để ăn uống dọc đường, có thể mua chín quả dừa to! Với chín quả dừa đó, nhà mình có thể được hai quả, biếu bốn chị em mỗi người một quả, còn ba quả may ra liều mình theo người ta bán lại chăng. Vậy là chín quả dừa lập tức được trao tay, để lăn long lóc dưới gầm ghế. Và đương nhiên, túi tiền đã nhẹ càng nhẹ bẫng. Bù lại, dọc đường, tôi được ngắm nghía chúng như những báu vật, quên bớt mệt nhọc đôi phần. Ngoài dừa ra, tiếp tục  qua nhiều ga lẻ, mọi người vẫn mua quả trứng gà, mua để ăn thì ít mà để bán thì nhiều. Vợ chồng tôi vẫn say sưa mua và ăn trứng gà chưa chịu chán nhưng mua để bán thì xin đầu hàng! Rồi người ta còn mua những thứ khác, nào thùng gánh nước, giày dép, mũ nón nhưng tôi không quan tâm đến các thứ hàng đó. Đối với tôi thời ấy, chỉ có lo đến ăn thôi, “ăn là muôn năm”, chứ cái khăn mặt mới muốn mua còn phải nghĩ đến mấy tuần, nói chi thứ khác, tôi thề như vậy không dám nói ngoa đâu.
            Mải quả nọ quả kia, nỗi lo lắng và thương cảm má trong tôi hình như bị chai lỳ rồi, tôi không quá khổ sở như lúc vào nữa, bụng thầm bảo dạ “số rồi, đã là số thì cứ theo ý trời định thôi, không làm sao khác được”; “mình biết mà, quyết định là đi, đi dễ dàng trơn tru ngay lúc đầu nên mới khổ về sau thế này” và tôi thầm thì cầu mong cái “số” ấy đừng xấu quá, má tôi có thể đau bệnh, bệnh nặng nhưng chưa rời xa hẳn cõi trần gian này là được - cầu mong một lần cuối cùng trước khi ra  đất Bắc. Trên đường lần ra, tôi không còn kẹt xỉ như lần vào nữa. Chúng tôi ăn uống khá hơn, bạo dạn hơn. “Nam thực như hổ Nữ thực như miu” câu này trong trường hợp của chúng tôi sai rồi. Tôi là bà đẻ cho con bú suốt nên thực ra là ăn khiếp lắm, chồng tôi thì vất vưởng cả tuần nay rồi, mặt mũi hốc hác bây giờ mới được vợ “thả phanh” cho ăn bù để hồi sức. Khổ thân quá, nhưng khổ gì thì khổ, làm sao khổ bằng má tôi đang bệnh hấp hối kia, đang ngóng từng phút từng giờ con cháu vào để gặp lại gần như là lần cuối cùng trong đời. Chúng tôi tệ thật, mới đó mà đã quên cả lo âu, quên má hấp hối, quên bố đang nằm liệt ngoài kia lòa cả hai mắt, quên mẹ già vất vả cáng đáng hết việc nhà, quên hai đứa con còn quá thơ dại chẳng hiểu sao bỗng dưng bố mẹ bế em đi đâu, cứ hồ hởi lao vào ăn ăn uống uống trên đoàn tầu. Những cái dạ dầy đói của chúng tôi mãn nguyện được lấp đầy và càng đầy hơn mỗi khi đoàn tầu dừng lại (ấy thế mà riêng món gà luộc hai đứa vẫn kiêng đấy nhé). Bé Hương cũng được nhâm nhi nhiều chút cháo nóng, uống nốt những giọt sữa cuối cùng của hộp sữa dùng trong mấy ngày mà không dám mốc, để rồi khoái chí bú mẹ được nhiều hơn lúc đi.
           Cứ đi, cứ xình xịch chạy, con tầu dừng nghỉ tại ga Đồng Hới. Hành khách mải mê ăn ăn uống uống. Trời nắng như đổ lửa. Nóng bức kinh hồn. Ăn uống chán chê rồi, mà chả thấy tầu chạy. Thì ra lại có thông báo của nhà tầu, tầu bị chậm ba giờ đồng hồ (thông báo bằng loa và viết bảng hẳn hoi). Lúc đó là 12 giờ trưa, vậy là 3 giờ chiều tầu mới khởi hành tiếp để ra Hà Nội. Làm cái gì bây giờ? Bé thì ăn no đã ngủ say tít. Chúng tôi chợt nảy ra một ý định. Chúng tôi lo dọn chỗ nằm cho bé tử tế, tã lót áo quần đàng hoàng, cái quạt tay để bên cạnh. Chúng tôi nhờ mấy bà ngồi ghế bên trông dùm cháu một lúc để vợ chồng tôi đi tắm vì người nóng bức và quá bẩn thỉu. Chúng tôi mang theo mỗi người một bộ đồ để thay. Tôi ngạc nhiên thấy chồng tôi chỉ mang may ô và quần đùi. Tôi hỏi, thì anh bảo nóng quá, tắm xong lên tầu anh sẽ mặc quần áo ngoài tử tế. Chúng tôi còn mượn một thùng tôn của một ông khách (ông ấy mua một đôi thùng gánh nước, may mà mượn được còn để giặt giũ, đựng đồ cho tiện).
         Vợ chồng tôi đi về phía xa xa giữa cánh đồng. Có một cái giếng khơi to nhiều nước thật mát mẻ, một cái gầu để sẵn bên cạnh. Có một chỗ quây để phụ nữ tắm, thay quần áo, còn nam thì thường tắm luôn trên vầng xi măng quanh giếng. Hình như giếng quây này là của một cơ quan nào đó. Nhiều hành khách đi tắm chả riêng chúng tôi, nhưng rồi cuối cùng chỉ còn hai tên thôi.
         Tôi tắm rất nhanh, nhờ anh vò qua quần áo cho đỡ bẩn, bỏ vào thùng xách lên sau, còn tôi lên trước để con thức dậy khỏi sợ người lạ. Không hiểu có linh tính gì không, tôi chạy một mạch thở hổn hển về phía con tầu đứng đó. Bỗng nhiên, đoàn tầu rùng rùng chuyển động. Tôi kinh ngạc và sợ hãi vừa kêu toáng vừa nhảy lên một toa ở cuối đoàn tầu, may không bị ngã. Tầu chạy nhanh dần, tôi vừa chạy về phía trước (toa tôi ở gần đầu tầu), vừa hô hoán với nhân viên rằng chồng tôi còn chưa kịp lên, rằng hãy cho tầu dừng lại, rằng sao thông báo ba giờ chiều, nay mới chưa tới hai giờ đã chạy mà không có thông báo gì? Một anh nhân viên huýt còi, nhưng vô ích, con tầu càng lao nhanh vun vút, anh ta lắc đầu và bảo “chịu rồi, chồng chị sẽ bắt chuyến tầu nào sau đó vậy”. Tôi chạy về toa của mình, thấy cả toa đang xôn xao, nháo nhác “Trời ơi, hai vợ chồng này kiếm cớ đi tắm bỏ con lại thật rồi. Con bé tí yếu ớt thế này tội nghiệp không, bây giờ biết làm sao đây. Cái nhà chị vợ trông hiền lành thế mà nỡ  bỏ con, con bé bú ai bây giờ, họ trốn đi đâu nhỉ? Tôi đi tắm còn thấy hai vợ chồng tắm mà, thảo nào hôm nọ cứ thấy chị ta khóc, gớm họ đóng kịch tài thật”.
Tôi xấu hổ buồn bã đi vào:
- Em đây ạ, em xin lỗi các anh các chị em lên muộn để mọi người lo lắng. Quả thực em rất bất ngờ khi tầu đột nhiên chuyển bánh, các anh chị có nghe thông báo lại giờ tầu không ạ?
- Ôi dào, người ta thích chạy thì chạy chứ thông báo gì, ai bảo cô chú đi tắm? về Hà Nội tắm không được à? bẩn thì bẩn, vẽ chuyện! mà chú ấy đâu rồi? - Một chị sốt sắng hỏi.
- Dạ, nhà em có kịp lên đâu, nhà tầu bảo anh ấy sẽ bắt chuyến tầu khác nhưng khổ lắm, em cầm hết cả giấy tờ, vé và tiền tiêu dọc đường. Chồng em đi tay không thôi ạ, với mấy bộ quần áo giặt tạm.
- Hừ, nhà chị này, thế cái thùng mượn của tôi đâu rồi? sao không trả tôi? - Ông khách cho mượn thùng hất hàm, cáu kỉnh hỏi.
-???!!! Dạ, nhà em cầm ạ  Anh ấy tắm rồi giặt đồ bỏ vào đấy.
- Thế chị không biết rằng tôi mất bao nhiêu tiền, khó khăn lắm mới chọn được đôi thùng vừa ý à? Tôi mất công chở lẽo đẽo từ trong kia ra, bây giờ chị làm sao trả tôi cái thùng ấy đi!
- Anh ạ, thật tình em chẳng biết làm sao bây giờ, chúng em có lỗi với anh quá. Nhưng chúng em không cố tình. Thưa anh, anh về ga Hà Nội hay ga nào ạ?
- Hà Nội! - Người đàn ông đáp cụt lủn.
- Bây giờ chỉ còn cách anh cho em xin địa chỉ của anh ở Hà Nội, rồi khi nhà em về, chúng em sẽ tìm đến gửi trả anh ngay. Anh hãy tin em, em không dám nói láo đâu ạ, không bao giờ dám lấy của anh cái thùng đó, anh cho mượn là tốt quá rồi. Mà đây, chứng minh thư của em đây, hoặc là anh ghi số chứng minh, tên, tuổi của em, hoặc anh chờ em khi ra cửa soát xét kiểm tra xong xuôi, em đưa anh cầm luôn chứng minh thư làm bằng có được không ạ? (ngày ấy, tôi không nghĩ ra là trình cho ông khách xem công lệnh và ghi địa chỉ cơ quan để ông ấy tin tưởng hơn).
- Cái nhà chị này nói hay nhỉ? Làm sao mà anh chị tìm được nhà tôi? Có ghi địa chỉ cũng chả tìm được, tôi ở Gia Lâm chứ có phải ngay Hà Nội đâu. Đường vào làng tôi ngoằn ngoèo, biết thế nào mà lần? Còn chứng minh thư của chị tôi cầm làm gì?
- Anh cứ ghi rõ hộ em tên xóm thôn, chúng em sẽ tìm được mà.
- Tôi không nói lằng nhằng với nhà chị! Chị trả tôi cái thùng đây, có thế thôi! - Ông cáu kỉnh.
- Em chả biết đền anh bằng cách nào, đây ví tiền của em chỉ còn mấy đồng lẻ thế này!!!
Ông khách lừ mắt nhìn không thèm nói gì.
         Bé Hương lúc này đã thức dậy. Tôi đành cáo lui và bảo ông khách thư thư cho tôi nghĩ cách. Tôi bế con ra đầu toa, ngồi vật tựa lưng vào tường nhà vệ sinh. Tôi không dám ngồi chỗ của mình, vì không thể đối chất được với ông khách, và chỉ muốn được ngồi yên một mình, khỏi phải trả lời bao nhiêu câu hỏi của mọi người, mặc dù biết đó là lòng tốt, là sự quan tâm đến tình cảnh vợ chồng tôi. Tôi vừa ấm ức, vừa buồn, vừa lo, và một loạt câu hởi ập đến: Anh đang ở đâu? Anh có thấy chuyến tầu nào sắp chạy về Hà Nội không? Anh có đi hỏi nhà ga và trình bày với họ không? Người ta kiểm tra vé của anh thì làm thế nào? Người ta có tin anh không? Anh sẽ ăn uống bằng cái gì khi trong tay không một đồng xu? Lại còn mặc quần đùi áo may ô ba lỗ nữa chứ, trời ạ…đầu óc tôi cứ quay cuồng. Cái thùng anh mang, bây giờ ông khách cứ nằng nặc đòi em, em làm sao đây? Em thấy ông khách tội nghiệp quá, vì tốt với mình mà bây giờ vạ lây, đi về còn mỗi một thùng thì người ta chả tức điên lên à? Tức quá thì ông ấy kêu ca mắng mỏ mình thôi, giận quá ông ấy không còn tin em mặc dù em đã năn nỉ ông ấy rồi”.
          Tôi mệt mỏi, chẳng thiết gì ăn uống nữa. Con gái bé bỏng của mẹ, con cố bú mẹ nhé, sắp về đến nhà mình rồi. Má ơi! con lại gọi má đây. Hôm qua con quên má rồi, bây giờ tủi thân quá con mới nhớ đến má. Má đừng giận con nghe má. Má có thương con không má? Má gọi Ba phù hộ cho chúng con với. Con đang dần mệt lả đây, nhưng con không thể nuốt được, sao tầu chạy chậm thế này, sao cứ bò ra trên đường thế? Lạy Trời lạy Phật, hãy cho con bình an, xin cho con đừng chóng mặt, con mà nằm xuống đây quay tít thì con của con sẽ ra sao? Trời ngoài Bắc lạnh lắm, làm sao chồng con chịu được, anh ấy lại đau dạ dày nặng, mỗi khi trời lạnh hay trở Trời, anh ấy bệnh dữ lắm. Thôi thì đầu óc cứ quay cuồng bấn lên bởi bao nhiêu câu hỏi mà không có trả lời, bao nhiêu thầm thì khấn khứa mà đất trời vẫn im lặng. Càng ra Bắc, càng lạnh, mưa phùn rét buốt thấu xương, gió rít qua khe cửa sổ. Mặt con tôi tái xanh, chắc tôi cũng vậy. Tầu dừng ga nào chả nhớ, tôi đành nhờ người gọi qua cửa sổ, mua một gói xôi lạc, bụng đói mềm mà nhai như rơm, nhưng phải ăn phải nuốt, để đừng chóng mặt. Tôi không thể nhớn nhác tìm mua chuối tiêu cho con nữa, tầu chạy xình xịch luôn làm tôi say lử, khi trước còn có chồng bế đỡ con, chạy đôn đáo mua cái này cái khác để ăn, bây giờ thì…thôi mong sao tầu chạy thật nhanh, mong sao mình tìm ra kế nào để trả nợ cái thùng.
         Tôi lảo đảo ôm con về chỗ ngồi của mình, chân chợt đá vào mấy quả dừa, những báu vật của tôi. Ôi đây rồi, cái khó ló cái khôn thật rồi. Tôi gọi người đàn ông:
- Anh gì ơi! em nghĩ ra rồi ạ. Thế này nhé, anh mua đôi thùng, lúc nãy anh bảo anh mua mất bốn hai đồng. Mà chín quả dừa của em có giá tiền tương đương (chỉ đắt hơn đôi thùng một tí không đáng kể), anh mua dừa rồi anh biết giá đấy ạ. Vậy là anh nhận giúp em chín quả dừa này, về gần hoặc tới Hà Nội, anh bán đi vậy cho đỡ thiệt, Cái thùng của anh nhà em đang cầm, em vẫn tìm đến trả anh và anh không phải bù gì cả, thế có được không ạ, chỉ cần anh cho em địa chỉ nhà anh thôi.
- Ờ…ờ…(Mắt ông khách dần bừng sáng, vẻ mặt không còn tức tối dữ dằn như lúc trước. Một nụ cười hiền lành rộng mở) Thôi được, đành thế vậy, mà tôi chả phải đưa địa chỉ đâu, tôi không cần lấy cái thùng ấy nữa, anh chị giữ mà làm kỷ niệm hà hà…
          Lúc này thì mắt tôi còn bừng sáng hơn ông ấy, long lanh long lanh. Tôi còn thoát được mối hiểm họa, nếu tôi phải sở hữu cái đống dừa này, tôi mang xách thế nào trong khi tôi bế con, lại ba lô, đồ dùng lặt vặt nữa? Ôi thật là nhẹ gánh.
         Tầu vẫn chạy. Trời vẫn lạnh. Tôi sắp sẵn giấy tờ, vé vủng, chuẩn bị cho một cuộc làm việc với nhà ga khai báo chồng tôi lỡ chuyến tầu, bắt sang chuyến khác khi trở về sẽ không có cái gì trong tay hết, để nhà tầu đừng giữ anh bắt phạt vé gấp đôi, hay yêu cầu giấy tờ gì.
        Tầu đến ga Hà Nội. Tôi bế con, và làm đúng theo những gì đã chuẩn bị. Tôi trình vé của hai vợ chồng, công lệnh của tôi để biết tôi là người của cơ quan nào, vắn tắt kể về sự cố xảy ra. Tôi tả cho nhân viên, và mời cả người có trách nhiệm cao hơn cùng nghe, về hình dáng diện mạo của chồng mình, một người đàn ông chừng 36 tuổi, không cao không thấp, mặc áo may ô ba lỗ trắng, quần đùi bộ đội rồng rộng, tay xách một thùng tôn gánh nước, bên trong đựng quần áo ướt, tên là như thế như thế, công tác tại đâu tại đâu, và tôi không dám chắc anh sẽ bắt chuyến tầu nào, vậy nhờ nhà tầu khi kiểm tra thì luân phiên thông báo cho các nhân viên khác biết sự thể của chồng tôi để anh ấy được ra. Tất nhiên tôi để nhà ga xé cuống vé của cả hai.
          Tôi thuê xích lô hai mẹ con về nhà. Bố tôi, me tôi, các con tôi vui mừng khôn xiết, hỏi thăm chúng tôi về thăm má thế nào. Me tôi đưa tôi bức điện đánh từ Nha trang gửi về nhà mấy hôm trước: “Má đã đỡ, các em không phải vào nữa” và hỏi chồng tôi đâu sao không thấy. Tôi vui mừng nhảy cẫng lên như con nít: ”Ôi má con vẫn còn sống!”. Bố mẹ tôi chả ai hiểu gì. Sau đó, tôi mới kể qua quít về chuyến đi, lòng vẫn đầy lo âu, không biết bao giờ chồng mình mới về đến đây. Đưa con nhờ me bế, tôi ra giường bố tôi. Tôi hỏi thăm bố, lúc này bố tôi không lẫn lộn gì cả, tỉnh táo. Tôi lật nhẹ bố nghiêng một bên. Trời đất, bố tôi bị loét một mảng to bằng quả trứng vịt. Biết ngay mà…Tôi lật đật lấy nước ấm rửa rồi bôi thuốc tạm, hẹn với bố hôm sau làm cao trứng gà bôi vào chắc sẽ khỏi nhanh hơn.
           Đang còn bận bịu vậy, thoắt cái, có tiếng gọi cổng. Thì ra MQ đã về, vậy là chỉ sau tôi hơn nửa giờ đồng hồ. Tôi ngạc nhiên quá, và lo lắng cứ nghĩ anh phải lả ra, rét lắm, phờ phạc. Nào ngờ, anh tươi tỉnh, khỏe mạnh, mặc dù trời đang mưa rét và anh vẫn chỉ có mỗi bộ quần áo cộc, tay xách khệ nệ cái thùng tôn, trong có hai bộ quần áo thay giặt của hai đứa, cùng một ít quả trứng gà chin mềm vàng óng. Thực sự ngày ấy tôi không hỏi xem anh đi bộ hay đi như thế nào mà sau này anh cũng không kể cho tôi nghe về tình tiết này. Tôi reo lên “anh ơi, má đỡ rồi”…và khoe anh có bức điện. Anh vui mừng không kém. Tôi kéo anh vào nhà rồi hỏi dồn hỏi dập chuyện đi đường vừa qua. Anh cười và kể lại hành trình “lạc” vợ con của mình.
…”Khi nhìn thấy tầu chạy mất, anh hoảng lắm, ngạc nhiên lắm, nhưng biết làm thế nào, đành thu dọn quần áo rồi lững thững đi lên ga. Anh xấu hổ vì quần áo cộc của mình rồi còn lếch thếch xách theo cái thùng quần áo ướt nữa chứ. Trời nắng như đổ lửa, chả có mũ, mới tắm xong mồ hôi tuôn ra nhếch nhác quá. Anh gặp người nhà ga hỏi, họ bảo anh cứ nhảy lên một chuyến tầu nào sắp qua đỗ ở đây là được. Anh lo cho em và con, chỉ sợ em ốm thôi. Anh thấy chán và mệt, thành thử quên đi chả buồn hỏi mình không có vé thì làm thế nào. Rồi anh nhảy lên tầu ngay sau tầu em đấy.
          Lên tầu, anh mới thấy mình bơ vơ. Anh ngồi chui lủi ở một xó, ngượng ngùng ôm thùng quần áo. Thấy nhân viên sắp đến kiểm tra vé, anh vội lủi sang nhà vệ sinh, anh không muốn phải trình bày gì hết. Xong đâu đấy, anh lại về với cái thùng quần áo. Mọi người nhìn anh như một vật gì lạ lùng. Họ thầm thì với nhau, đưa mắt nhìn anh, người thì bảo anh là thằng chập cheng hâm hâm, người thì bảo anh là trông thư sinh ra phết nhưng thất cơ lỡ vận sao mà trông lấm lét như thằng trộm. Anh buồn cười song mặc kệ. Giá như bình thường (chồng tôi vốn là người cực kỳ khôi hài, vui tính), anh sẽ cười phá lên mà rôm rả kể chuyện lạc vợ con của mình, nhưng lúc này, còn đang rối ruột vì em và con, băn khoăn vì tình hình của má, nên anh chỉ gục đầu xuống giả vờ ngủ rồi nghĩ linh tinh. Anh chả có đồng nào nên đành nhịn đói, mãi sau có một bà già tới gần đập vai anh và hỏi anh đi đâu mà trông mệt mỏi,  không có quần áo rét,  không ăn uống gì thế. Thấy bà già hiền lành phúc hậu, anh mới kể cho bà tình trạng của mình. Bà nghe xong về chỗ ngồi lấy bao nhiêu quả trứng gà chín cho anh, cả một miếng cơm nếp nữa và bảo anh ăn đi cho đỡ đói. Rồi “tiếng lành đồn xa”, mọi người trong toa thi nhau mang cho anh quả trứng gà chin. Họ không còn ngại anh, mà tỏ lòng thương và thông cảm ái ngại. Anh cảm thấy dễ thở hơn, anh cảm ơn và từ chối không lấy trứng gà nữa nhưng họ cứ tới tấp đưa. Anh đành bỏ vào thùng, đầy ngồn ngộn lên, mà chỉ sợ chúng bẹp vì quá chin, sau rồi anh xếp ra sàn tầu thành từng đám nhỏ giống mọi người. Mờ sáng hôm sau, khi tầu đỗ, mấy cô bé bán xôi cứ chào mời anh mua. Chúng đâu biết anh không có tiền. Anh im lặng mãi rồi cũng đành gắt lên:
- Chú không có tiền!
- Thế chú có cái gì không cháu đổi xôi cho?
- Đổi à? chẳng có gì mà đổi!
- Kìa, chú có bao nhiêu quả trứng gà, cháu đổi xôi cho mà ăn, ăn quả này mãi sót ruột lắm chú ơi!
- ???
- (Ừ hay nhỉ, ừ thì đổi) Đây mày bốc đi một ít, đổi cho tao một nắm xôi to to vào nhé.
Hóa ra là thế, ổn rồi, “trời lại có mắt” rồi.
            Từ đấy, anh cứ quen dần mỗi ga đỗ lại đổi một ít, lúc thì bát miến, lúc trứng vịt lộn, mía, bánh giò…nghĩa là đủ thứ. Anh thấy buồn cười quá, anh đâu có hình dung những quả trứng gà chín mõm ra kia lại khiến cho mình trở thành...vương giả, có thể thoải mái hô cái nọ cái kia như một kẻ có túi tiền rủng rỉnh.
            Về tới ga Hà Nội, nhà tầu đã biết rồi nên anh ra nhẹ nhàng, không khó khăn gì. Trời mưa, rét. Vẫn còn trứng gà, anh liều mạng vào đổi một bát phở tại chính phố gần ga, trên đất thủ đô hẳn hoi. Thật là kinh khủng, không phải vì anh đói nữa, mà là thử tí cho vui, ăn cho bõ tức, và để ấm bụng nữa chứ rồi mới về nhà.
          Vậy đó, thế là anh nghĩ vợ chồng ta thoát nạn tầu xe, mỗi tội trở về như lúc đầu, rằng không biết má giờ này ra sao. Đã đúng mười ngày trôi qua, nhưng về đây thấy em nói có điện tín má bớt, anh mừng lắm; may mắn quá, chúng mình sẽ hết mệt ngay thôi phải không em, và không ân hận gì nữa”.
          Vợ chồng tôi lục tục lấy mấy quả trứng gà còn lại mời bố mẹ nếm, và cho hai đứa nhỏ hình như đang thèm thuồng lắm. Chúng tôi đang hưng phấn cao độ, chẳng hỏi han gì nhiều về tình hình ở nhà trong khi mình đi vắng, rủ nhau đi tắm rồi ôm bé Hương ngủ một giấc say sưa không có mộng mị gì. Hôm sau, tôi cùng chị Hiền Trang vệ sinh cho bố tôi và làm cao trứng gà bôi chỗ loét. Chúng tôi đập quả trứng gà lấy lòng đỏ bỏ vào một cái chảo nhỏ đun cháy lên thành than, vẫn đun tiếp tới khi chảy ra một ít dầu nâu nâu, chắt ra bôi chỉ đúng hai lần là khỏi (bài thuốc này thật là hay dùng cho người nằm lâu không vận động bị loét phần lưng). Tất nhiên bôi sẽ rất sót, tôi phải làm công tác tư tưởng cho bố tôi trước.
            Hai mươi mốt ngày sau đó trôi đi không nhanh không chậm. Bố tôi vẫn bình thường. Nhưng đến đêm ngày thứ 21 này, sau khi dọn và lau rửa cho bố (đại tiểu tiện ngay trên giường), thấy bố tôi cứ cựa mình suốt, thở khò khè không ngủ được, tay luôn xoa xoa lên tường nên thi thoảng tôi trở dậy, hỏi bố có ngủ được tí nào không, bố có cần gì không, Bố tôi lắc đầu, vậy là ông tỉnh. Sáu giờ sáng ngày hôm sau, tôi cho bố uống nước cam như thường lệ. Uống hết thìa nước cam cuối cùng của một cốc cam vắt đầy, bố tôi nhắm mắt, nghiêng đầu sang một bên. Tôi lay gọi, bố tôi không tỉnh lại nữa. Tôi mời bác sĩ nhà bên sang, bố tôi đã ra đi mãi mãi.
          Tôi đau sót vĩnh biệt bố kính yêu, chỉ còn một niềm tự an ủi là tôi đã kịp trở về, toàn tâm toàn ý chăm sóc bố được mấy tuần cuối cùng của cuộc đời ông. Và trong thời gian này, tôi hoàn toàn không lo lắng gì về má, tôi yên tâm là má đã bớt bệnh, thế thôi. Với tình cảm của tôi đối với má, thì sự hoàn toàn không lo lắng này là một điều lạ khó giải thích, nhưng thực sự ngày ấy là thế, có lẽ vẫn do ... trời định (!).
            Tang lễ bố tôi tổ chức tại nhà. Chị em tôi ai cũng thương bố, dàn dụa nước mắt và khẽ nức nở chứ không biết gào thét. Dì kế tôi than thở với các đoàn cơ quan đến phúng viếng: “Đấy, bố chúng nó chết mà chúng nó chỉ rên ư ử như lũ chó con”. Vài bà hàng xóm thì thào to nhỏ: ”Nhà này vô phúc, bố chết mà các con cứ đứng ịch ra chỉ chảy nước mắt thôi, không thấy đứa nào rống lên (!)” Nghe người ta mách lại thì biết thế, chứ chị em tôi chẳng quan tâm những lời dị nghị ấy, tất cả đều nhớ thương bố đến cháy lòng.
            Sau khi tổ chức tang lễ bố tôi xong xuôi, vợ chồng tôi nhận được một bức thư viết tay gửi qua bưu điện, ngày nhận cách ngày gửi có tới cả gần tháng trời. Bức thư của anh chồng tôi ở Nha Trang kể rằng, má đã mất từ sáng ngày 12/10 âm lịch, nhưng vì trước đó má ngồi dậy được ăn những hai bát cơm, nên mọi người tưởng má đỡ, sợ vợ chồng tôi lo lắng thu xếp nên đánh điện bảo đừng vào nữa. Đám tang của má thật là vất vả, linh cữu vừa khênh ra khỏi nhà thì ngay lập tức nước tràn ngập vào nhà rồi sau đó dâng lên đến ngang thắt lưng. Thì ra đêm cuối cùng của má chính là đêm đầu tiên chúng tôi tắc tại Diêu trì. Ôi nếu như không có cái đêm ngập lụt ấy, chúng tôi đã trở về ôm được má trước lúc má lên đường về với tổ tiên, với ba chồng tôi, người mà tôi chỉ biết qua di ảnh. Chúng tôi buồn, sót xa, chúng tôi thương má, và chúng tôi thương mình. Tôi khóc với anh, nhưng hình như đã không còn nước mắt để khóc quá nhiều. Nước mắt để dành cho cả đoạn đời sau của tôi, ví như lúc này, tôi không sao cầm lòng được nữa. Vậy là gia đình tôi năm ấy có liền hai đại tang, má chồng và bố tôi, hai cụ mất cách nhau chưa đầy một tháng. Má tôi mất trước (12/10), bố tôi mất sau (7/11).
             Tôi sẽ mãi mãi không thể quên được ngày xưa ấy, và những gì của một chuyến đi Nha Trang đặc biệt này. Chiếc thùng “đơn côi” tôi vẫn dùng và từ nhiều năm nay tôi để nguyên một chỗ, giữ lại như một minh chứng cho chuyến đi Nha Trang buồn mà buồn cười của vợ chồng tôi và bé Hương, con gái út. Tôi không mong một đêm nào trong giấc mơ tôi lại gặp các anh, anh Hưng và anh Sinh ơi! Các anh hãy thông cảm cho tôi.
 
Trích Hồi ký :NƯỚC MẮT VÀ NỤ CƯỜI
của Bùi Thị Kim Thư
(Còn nữa) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét