Ngày 07.4.1975
Chúng tôi tiếp tục tập trung làm công tác kỹ thuật tại căn cứ Sư đoàn 3 Khánh Sơn để chuẩn bị hành quân đường dài. Theo quy định chúng tôi phải tiến hành bảo dưỡng cấp 2 và kiểm tra lại tất cả các cụm máy, chi tiết theo tiêu chuẩn kỹ thuật. Những lúc như thế này chỉ lái xe là vất vả nhất vì phải chủ trì về mặt kỹ thuật, các thành viên khác chỉ hỗ trợ thôi. Tuy nhiên, ngày hôm nay cũng có 2 sự kiện đáng nhớ:
1- Biên chế xe 380 của tôi có sự thay đổi: Pháo hai Vũ Xuân Trực được điều sang làm pháo thủ xe 381. Thay chỗ Trực là Nguyễn Kim Duyệt từ Đại đội 3 chuyển sang. Chẳng biết khả năng của tay này thế nào song nhác qua thì thấy không thích hợp lắm với vị trí pháo hai.
Trích "HT đến dinh ĐL":
"Biết chặng đường hành quân sắp tới dài cả nghìn cây số nên cánh lái xe đại đội Bốn rất lo lắng về tình trạng kỹ thuật của xe. So với những cái T54B mới cứng của tiểu đoàn Hai và hai đại đội trong cùng tiểu đoàn này thì 6 cái T59 đã vào chiến trường từ năm 71 của bọn hắn chỉ đáng là đống sắt vụn. Cái nào cái ấy cóc cáy, mốc thếch bụi đường và khói đạn, cả đại đội không còn một lá chắn bùn nào nguyên vẹn… Vì vậy cả đơn vị tập trung làm thật đầy đủ các nội dung bảo dưỡng cấp Hai theo quy định, ngoài ra còn làm thêm một số nội dung nữa mà họ thấy cần thiết, đặc biệt là đối với hệ thống điều khiển và vận hành. Ở xe 380 còn mệt hơn vì thiếu người, công việc đang ngập đầu ngập cổ thì đại đội lại điều mất pháo hai Trực đi. Cậu ta được điều về xe 381 và “lên chức” pháo thủ, trong khi đó người thay thế chưa thấy tăm hơi đâu. Đã thế Luông lại suốt ngày họp hành, Thọ thì vừa tranh thủ bảo dưỡng vũ khí vừa cơm nước nên chỉ có một mình Trang lúi húi ngoài xe suốt hai ngày nay. Mà sao thời tiết kiểu gì không biết, giữa mùa Xuân lại oi bức đến thế.
Đang chúi mũi vào buồng truyền động Trang bỗng giật mình vì có tiếng ai đó gõ gõ vào thùng dầu ngoài, chẳng buồn ngẩng mặt lên cậu gắt:
- Rỗi rãi thì đi chỗ khác chơi! Đang bận tối mắt tối mũi lại còn đến quấy!
Im lặng một lát thì một giọng nói rất nhẹ nhàng cất lên:
- Này! Cho tôi hỏi thăm một tý!
Trang ngẩng bộ mặt nhem nhuốc của mình lên. Trước mắt cậu là một thân hình loẻo khoẻo khoác trên vai cái ba lô lép kẹp, trên vai là một cây đàn ghi- ta cũ đã bong tróc nhiều chỗ, Trang hất hàm:
- Hỏi gì hỏi nhanh đi!
- Đây là xe 380 do anh Luông làm trưởng xe phải không?
- Phải! Có việc gì thế?- Trang hỏi trong khi tay vẫn nhoay nhoáy làm việc.
- Tôi là Duyệt, được điều về xe này làm pháo hai.
Trang hơi ngỡ ngàng, pháo hai gì mà người ngợm lại thế kia. Trong mỗi xe tăng thì đó là một trong hai vị trí mà công việc nặng nhọc nhất: cái buồng chiến đấu thì hẹp vanh vanh, mỗi viên đạn nặng hơn ba mươi cân người như thế kia thì làm ăn sao được. Hơi thất vọng về thành viên mới của xe Trang buông thõng:
- Thế à!
- Anh Luông có nhà không?- Vẫn cái giọng mềm mỏng ấy.
- Ông ấy đi họp chi bộ, còn tôi là Trang lái xe. Thôi được rồi! Ông cất ba lô lên xe rồi lau mấy khẩu súng đi.
Duyệt đặt cái ba lô và cây đàn lên xe, cậu ta nhún mình nhảy lên xe rất nhẹ nhàng, chỉ một loáng sau cậu ta đã lau và lắp đâu vào đấy khẩu 12 ly 7 và hai khẩu đại liên. Trang lại một lần nữa ngỡ ngàng, “tay này cũng được đấy chứ”- cậu nghĩ bụng. Đến bữa trưa thì cả xe đã thân thiện với nhau. Người mới đến là Nguyễn Kim Duyệt, dân Hà Nội gốc, nguyên sinh viên Đại học Nông nghiệp 1".
2- Sự kiện thứ hai là Tiểu đoàn 4- đơn vị cũ của chúng tôi xuất phát "hành phương nam". Chúng nó đi cũng khí thế lắm, xe nào cũng cắt hai chữ "Thần tốc" dán lên tháp pháo và thành xe. Chúng tôi ra tiễn những người đồng đội đi trước mà không ngờ đó là lần gặp mặt cuối cùng đối với một số người trong đó vì chỉ hơn tuần sau là họ sẽ công phá "Lá chắn thép" Phan Rang- một trận đánh khá là ác liệt.
# Nguyễn Kim Duyệt sau hy sinh ngày 28.4.1975 tại Nước Trong, Đồng Nai cách Sài Gòn chỉ hơn 40 km. Câu chuyện này tôi đã kể ở đâu đó (VMH hoặc KQH). Sự hy sinh của Duyệt để lại trong tôi bao đau xót và tiếc nuối. Thật bất ngờ Họa sĩ Lê Trí Dũng cũng quen biết Duyệt. Ngày ở QT, Duyệt đã tham gia lớp học vẽ do Dũng dạy. Chính anh đã ký họa chân dung Duyệt và giữ được tấm hình lớp học vẽ - trong đó có Duyệt. Từ tấm hình đó anh đã trích ra được tấm ảnh chân dung của Duyệt (đội mũ tai bèo). Còn tấm ảnh đầu tiên là do một người bạn khác giữ được.
Khổ thế! Không một cuộc chiến tranh nào là không gây nên những mất mát đau thương đến không cùng. Cầu mong sao đừng bao giờ có chiến tranh. Thế giới hãy giải quyết mọi khúc mắc bằng đàm phán hòa bình thì phúc cho dân biết bao nhiêu!
Trả lờiXóa( Song Thu)