Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2013

CHƯƠNG 3: VÀO ĐỜI (Tiếp Theo)

Đám cưới hạnh phúc         
 MQ thương tôi đi công tác triền miên, luôn mong đợi ngày tôi về Hà Nội, để chúng tôi được gần nhau dù ngắn ngủi. Đó là những buổi trưa vội vã dạo vườn Bách Thảo, ngồi ven hồ mà nắm bàn tay của nhau, và tôi lấy cái đuôi tóc thật dài của mình quấn vào cổ hai đứa. Đó là những buổi tối (phải về trước tám giờ tối) chúng tôi dắt nhau vào công viên Thống nhất ngồi ghế đá, dưới gốc cây vắng vẻ, cái xe đạp của MQ dựa vào thật gần. Bọn tôi say sưa yêu nhau đến nỗi kẻ trộm lẻn lấy túi xách mang đi mà chả hay biết gì. Túi xách không có đồng nào, toàn bài kiểm tra Đại số, Giải tích mà thầy MQ mới thu của sinh viên mang về chấm. May mà xe đạp không bị dắt đi. Chúng tôi vừa sợ hãi vừa buồn cười, và thương luôn kẻ trộm. Nó sẽ làm gì với tập bài kiểm tra ấy ngoài việc bán cho đồng nát như giấy vụn? Rồi có lần, MQ đang “gian giảo” và say sưa lần tìm “trái đào” của người yêu thì đèn pin bỗng xuất hiện chĩa thẳng vào hai đứa và đòi kiểm tra giấy tờ. Ôi ngượng và tức quá đi. Thì chúng tôi vẫn đang nghiêm chỉnh đấy chứ, quần áo có xộc xệch tí nào đâu mà lắm chuyện. MQ hiền nhưng nóng tính định quặc nhau với họ, tôi bấm nhịn chỉ nói vài câu ôn tồn, rằng chúng tôi là vợ chồng sắp cưới và không làm gì phi đạo đức đâu mà. Họ nghe và bỏ đi, nhưng chúng tôi mất cả hứng, buồn thiu rủ nhau về. Cứ mấy trận lủng củng thế, nên chúng tôi thích chở nhau ngao du trên các đại lộ khu Ba Đình cho yên thân và tự do mà thôi. Chỉ tội đi xe đạp thì không được hôn nhau thật sâu, không có cảm giác run lên vì hạnh phúc, không được đắm đuối nhìn nhau trìu mến. Vì thế, thi thoảng chúng tôi đi bộ trên vài con đường quanh hồ Thuyền Quang thơm mùi hoa Sữa, MQ ôm ngang lưng tôi. Một cảm giác lâng lâng nhẹ nhàng tràn ngập.
           Lâu lâu, chúng tôi đi ăn tối với nhau. Có lần, MQ đưa tôi vào một cửa hàng mậu dịch bán chè. MQ rất thích của ngọt, nhất là chè. Hồi sơ tán, MQ tự nấu chè đậu xanh, ngọt sắt đến mức tôi chỉ xúc một thìa to và nhâm nhi từng tí một mãi mới hết trong khi MQ ăn một lúc ba bát luôn. Lần này vào cửa hàng, MQ gọi tám bát và bảo mỗi đứa ăn bốn bát. Tất nhiên MQ trêu tôi chứ thừa biết rằng tôi cố lắm chỉ được hai bát! Chè ở đây là chè hoa cau ấy mà, nhạt hoét. Tôi nhìn nhân viên bê ra tám bát chè xếp thẳng hàng thẳng lối mà buồn cười. Lần khác, chúng tôi ăn bánh tôm, không phải bánh tôm Hồ Tây mà ở một cửa hàng.nhà nước tại công viên Thống nhất. Họ toàn dùng tôm khô chứ không có tôm tươi, khi ăn tôm cứ rời lả tả ra, cuối cùng chỉ ăn đám bột rán còn thấy ngon, tôm thì ăn ít thôi rồi bỏ lại. Hai đứa tiếc của mà không cố được, cũng không dám mang về.
          Thời gian qua nhanh. MQ nghĩ đến hôn nhân và bàn bạc. Tất nhiên là tôi “gật” rồi. MQ đưa má và anh trai đến thăm gia đình tôi, đặt vấn đề để hai nhà trao đổi thống nhất lễ cưới. Ba MQ mất từ khi MQ mười một tuổi đang học ở Trung Quốc, tức là chỉ hai năm sau khi tập kết ra Bắc thôi.
          Ngày ấy, cả hai nhà đều nghèo, nên chúng tôi xin phép được tự lo bao gồm mua đồ cưới phân phối như giường đôi, lụa sa tanh đen may quần, kẹo bánh, thuốc lá, chè…rồi chuẩn bị đám cưới đời sống mới tiệc trà, hoa cưới. Còn hai gia đình, bên nào có mấy mâm mời khách ăn mặn thì tổ chức ở nhà bên ấy.
          Hai đứa tiết kiệm từng đồng góp lại để mua sắm. Chúng tôi đăng kí kết hôn. Người  ta phát cho phiếu mua đồ cưới. Tan giờ làm việc là MQ đón tôi đi ngắm giường cưới phân phối. Giá giường 64 đồng, đóng đơn giản mộc mạc, gỗ xoàng xĩnh, vậy mà chúng tôi thích thú đi lại ngắm nghía hoài. Rồi cũng chọn được cho mình một chiếc. Mười năm sau ngày cưới, trong khi tôi đi học ở Cộng hòa Dân chủ Đức, ở nhà giường bị gẫy một chân, MQ tìm gỗ làm một cái chân thay vào, rồi dùng đến nhiều năm sau nữa.
                 Chúng tôi mua sẵn thiếp cưới loại nhỏ nhất cho rẻ tiền, nhỏ đến mức gấp đôi lại một chiều có 8 cm, một chiều 3,5 cm. Thiếp được in sẵn, có hai chữ hỷ ở mặt ngoài,  mình chỉ việc điền họ tên viết bằng tay ở trang bên trong.
               Đồ tiệc trà thì được mua chè mạn, hai tút thuốc lá Tam Thanh và Tam Đảo; được mua bánh qui tròn, kẹo cứng bằng đường đen. Rồi chúng tôi mua thêm một ít hạt dưa đỏ, hạt bí rang lên thơm thơm dễ chịu.
             Tôi được mua vải đủ may hai quần sa tanh đen. Tôi biếu me một chiếc. Me tôi may để mặc dịp tết hoặc đi chơi đâu đó. Còn tôi thì giữ khư khư trong ngăn kéo, thi thoảng giở ra ngắm, chứ không may. Phải đến năm năm sau tôi mới đem ra may, mà ít khi mặc lắm vì tôi thấy nó đẹp quá, bóng bẩy quá, trông “mợ” quá, người xâu xấu lôi thôi như mình mặc vào cứ ngượng thế nào ấy. Chúng tôi được mua một cái màn, và phiếu mua vải làm vỏ chăn. Suy đi tính lại mãi, mới dám mua may một cái vỏ chăn bằng vải ka ki màu ghi loại rẻ tiền nhất, trông thật thô thiển nhưng có vẻ đắp chắc trùm bền. Rồi hai đứa đi mua một lõi bông 5 kg cho thật ấm.
               Quần áo cưới chả có. MQ chuẩn bị một áo len màu boóc đô tươm nhất đã sờn mặc ra ngoài một sơ mi cũ. Tôi mượn áo dài quần trắng, bộ quần áo cưới của chị cả tôi. Bởi không được mặc áo dài trắng mới tinh khiết dành cho cô dâu trong ngày cưới, nên tôi dùng phiếu vải cung cấp hàng năm để mua vải phin trắng may một sơ mi, và may hai vỏ gối. Xưa nay tôi chưa biết thêu thùa rua ren là gì, nay phải tự may áo gối, nên lọ mọ chạy sang bà chị họ gần bên hỏi, rồi về cố làm thật đơn giản, và làm được. Của đáng tội, có ít đường thêu trên mặt gối, rồi rút sợi làm thành đường rua xung quanh, với sợi chỉ màu trắng, thì không khó. Tôi rất ngạc nhiên về sản phẩm của mình, trông nhẹ nhàng thanh thoát ra phết. Sau này đi bộ đội, MQ đã mang một chiếc gối đi theo suốt những chặng đường hành quân. Khi ngủ tạm trên lán trại MQ đều ôm gối ngủ để tưởng tượng vẫn có tôi ở bên mình.
              MQ ở lại trường dạy, được phân một phòng trên dãy nhà lá tập thể, chật chội và gió lồng lộng rét lắm trong tiết mùa đông. Cưới nhau vào dịp sau Noel mấy ngày, nên chúng tôi xin phép ở tạm nhà bố mẹ vợ sau khi cưới, tức là MQ ở rể, rồi từ từ sẽ chuyển về khu tập thể. Bởi vậy, giường cưới được kê ngay trong nhà tôi, ở một góc khiêm tốn nhất, ngăn cách với giường me tôi nằm gần bàn thờ gia tiên bởi một tấm gỗ mỏng và lớn có sẵn. Trước ngày cưới mấy ngày, má MQ cùng mấy người trong họ “dắt” MQ đến nhà tôi ăn hỏi. Gọi là ăn hỏi nhưng có mỗi chùm cau bé tí chừng mươi mười hai quả cau, mấy lá trầu, với một gói chè. Lễ thành hôn tổ chức tại nhà tôi, theo kiểu tiệc trà đời sống mới tiếp khách suốt ngày suốt tối. Nghĩa là MQ đến nhà tôi cùng với  mấy người “hộ vệ”. Dân tình trong phố đứng xem chỉ trỏ anh chàng MQ còn trẻ măng, da trắng xanh yêu yếu, tóc nâu đỏ, mũi cao, mắt đen rất sáng, mặc áo len màu boóc đô từ xa đi lại (đi bộ) là chú rể đấy, còn tôi ở trong nhà, ai đến dự cưới mới biết chứ người ngoài chịu chết không biết cô dâu là ai, ăn mặc thế nào. Tôi mặc bộ đồ cưới của chị Hiền Trang, áo dài sa tanh hoa màu hồng đỏ, quần trắng. Các chị bắt tôi đi uốn tóc quăn, không được để hai đuôi sam dài ngúng nguẩy nữa, làm tôi buồn quá. MQ nhìn tôi trong bộ dạng tóc uốn vậy thì mặt xị lại, vẻ rất khó chịu, rồi thì thầm, “tại sao em cắt tóc đi như thế? anh không thích!”…”thì em đâu có thích nhưng em không làm chủ được mình trước một “đống” các bà chị ủa vào gây sức ép!” Áo sống là vậy, còn cái đầu phi dê là lạ của tôi thì được cài một cành hoa vải trắng, ngực cài một bông hoa trắng (vẫn là của chị tôi cho mượn, trước đây đám cưới của chị tôi hoành tráng lắm, tại khách sạn Phú Gia, có cả xe con kết hoa đưa đón ấy chứ).
             Bánh kẹo chè thuốc đơn giản trong tiệc trà thì như tôi đã kể. Riêng khoản hoa cưới, tôi không chịu giản đơn tị nào. Tôi và chị Thùy Trinh đi đặt hoa tận Nhật Tân, một bó hoa Lay ơn trắng thật đẹp, cùng với hoa hồng bạch để cắm bát hoa đặt trên bàn. Hoa hồng trắng, hàm tiếu, chúm chím hé nở trăm bông đều nhau tăm tắp cả trăm. Tôi không nói ngoa, trong đời tôi, với con mắt của tôi, những bông hồng bạch ấy là đẹp nhất so với mọi lần tôi mua hoa sau này hoặc nhìn thấy ở tiệc cưới nhà khác. Bởi chúng tôi đặt kĩ lắm, khi đi lấy hoa thì chọn lọc “bắt bẻ” chủ hoa kinh người. Kết quả là những dãy bàn tiếp khách để lại ấn tượng thật đặc biệt cho mọi người là những bát hoa hồng bạch này, mà không phải là mấy chiếc kẹo cứng đen xì nọ, cái bánh qui tròn kia. Và tôi, một cô dâu nghèo, rất lấy làm thỏa mãn. Chỉ tiếc, chúng tôi chả có hình chụp nào trong ngày cưới. Mọi hình ảnh đều chỉ lưu trong cái đầu của tôi già cỗi dần theo thời gian, và giờ này chúng được chộp giật lại để hóa thân thành những con chữ tôi đang gõ trên bàn phím đây.
              Mở đầu buổi lễ là màn chủ hôn làm việc, có đại diện hai họ, đại diện cơ quan tôi, đại diện Khoa Toán Đại học Tổng hợp, giới thiệu phát biểu chúc tụng căn dặn đủ điều. Me cho tôi chiếc nhẫn một chỉ vàng làm kỉ niệm, tôi vẫn giữ đến giờ. Còn MQ thì chả được gì, chỉ ngắm tôi đeo nhẫn một mình. Tôi mặc áo dài hồng đỏ, MQ áo len nâu đỏ vậy là hòa đồng “tông màu” đấy chứ. Tôi dùng chút ít phấn son, chứ MQ da trắng xanh và môi lúc nào cũng đỏ sẵn. MQ lớn hơn tôi ba tuổi nhìn rất trẻ, tôi bị già đi bởi cái đầu tóc uốn, thế là hòa coi như ngang nhau, chứ tôi không đến nỗi già hơn đâu! Có điều, tôi và MQ cao bằng nhau, hơn 1m60 một tí, trong đám cưới tôi đi giày cao gót, nên “bắt” MQ phải “thửa” một đôi giầy đế bằng nhưng phải cao cao kẻo thấp hơn vợ nhiều quá thì gay go. Còn bình thường tôi chỉ dùng dép cao su, dép lê cao một phân thôi chả bao giờ dám đi guốc giày cao gót cả. Âu đó cũng là nỗi khổ hiếm hoi của tôi khi quyết định lấy MQ làm chồng!
               Rồi tiếp khách cả ngày lẫn tối, rải rác nhiều đợt. Thích nhất là lúc bạn bè chúng tôi đến, cái lớp đại học đầy kỉ niệm buồn ít vui nhiều ấy. Các bạn nói cười rôm rả, ăn kẹo bánh như thụi. Thoáng một cái, tên Thiều đã đập bàn đập ghế ầm ầm “Ê cái Thư đâu, thằng Quang đâu, chúng tao ăn hết bánh kẹo rồi này. Chúng mày mau mau mang nữa ra đây!!!” và cả bọn cười như nắc nẻ. Tôi buồn cười, nhưng hơi xấu hổ, lật đật nháy người nhà khẩn trương tiếp tế. Ôi cái bánh qui thì thường thôi, nhưng cái kẹo thì tôi phải tả kĩ hơn mới được. Nó đen xì, rắn lắm nhưng vì răng khỏe nên nhai kẹo vỡ kêu lốp cốp. Ngọt thì đã đành, nhưng kẹo có vị đăng đắng của đường bị cháy, nào phải hương vị cà phê cà pháo gì cho cam. Vậy mà bọn ranh này nhai nhanh thế không biết. Chúng vui chuyện ngồi lâu lắm, không chịu đứng lên khi có khách đâu, mà tôi thì quí chúng nên chỉ tiếp người khác qua qua rồi quay về chỗ cũ.
                Khách đến thật đông, đều có đồ mừng nho nhỏ cho vợ chồng tôi, nhưng giống nhau y trang theo từng chủng loại. Đó là: lọ cắm hoa bằng sứ màu trắng, đĩa bát sắt hoa tráng men, đĩa nhựa nhỏ màu xanh đỏ tím, bát ăn cơm. Khi chúng tôi xếp quà cất đi thì phải xếp hàng thành dãy thành chồng, cất trong mấy cái hòm, rồi khi có đám cưới ai, thì lục tục giở ra gói ghém mang đi làm đồ mừng cho họ. Ngày ấy là vậy. Dĩ nhiên tôi có dùng mấy lọ hoa cho gia đình, rồi đĩa bát nữa, có cái đĩa dùng đến khi nó sứt ra một mảng bị rỉ nâu nâu mà vẫn tiếc rẻ không chịu bỏ đi.
                 Tiệc trà là tiếp khách đại trà. Còn gia đình, và một ít khách thân của bố mẹ, thì được ăn bữa mặn từ hôm trước ngày cưới. Mặn không phải là nấu cỗ, mà là ăn kiểu tây: mỗi người một xuất bánh mì, một miếng thịt bò bí tết, một ít rau thơm. Kể cũng là lạ, nhưng phụ huynh làm sao biết vậy, chúng tôi chả dám ho he. Bên nhà MQ thì tiếp khách thân thiết bằng mấy món ăn miền Trung, phạm vi rất hẹp tôi chả được  tham dự nên không rõ.
              Đấy đám cưới của tôi là vậy, 27/12/1970. Chúng tôi tiếp khách dài dài nên mệt phờ. May trời lạnh nên không toát mồ hôi hột, nhưng khi xong việc, chú rể cô dâu đều rét run mặt mày nhợt nhạt. Dọn dẹp mãi, lên giường tân hôn phải quá 12 giờ đêm.
Chuyện lạ có thật               
             Sáng ra, chúng tôi dậy rất sớm, khênh bàn ghế trả hàng xóm. Chúng tôi nghỉ cưới mấy ngày, chỉ ở nhà, không đi đâu tuần trăng mật, loanh quanh chào hỏi họ hàng hai bên thôi. Rồi lại đi làm bình thường. Má chồng tôi cho quà cưới là một đôi dép lê nhựa Tiền Phong màu tím, nhựa trong, dáng rất đẹp. Tôi thích đôi dép lắm, vì đi vừa như in. Thi thoảng, tôi lấy ra ngắm nghía, đi thử mà không chán. Mọi khi tôi hay đi dép cao su có quai hậu, êm êm, nhưng không thể diêm dúa mảnh dẻ như đôi dép lê tím này được. Thế là ngay buổi đầu tiên đến cơ quan làm việc sau mấy ngày nghỉ cưới, tôi đi luôn đôi dép mới. Hôm ấy, tôi có việc vào phòng máy tính, nơi có nhiều người ra vào phải để giày dép ngoài cửa phòng, tôi tháo dép để đấy. Một lúc sau, quay trở ra không thấy dép đâu nữa, hỏi loạn lên chả ai biết cả. Thì ra là mất dép rồi! Tôi thẫn thờ cả người. Tôi tiếc đôi dép xinh xắn, từ khi lớn lên đến nay có bao giờ tôi đi dép đẹp thế đâu. Nhưng quan trọng hơn là tôi buồn vì mất nhanh quá, mất cái kỉ niệm đơn sơ má tặng tôi nhân ngày hạnh phúc của đời mình. Tôi chán, chán chả muốn mượn tạm ai dép, buổi trưa tôi cứ chân trần như thế đi xe đạp về nhà xỏ đôi dép cũ của mình. Tối về, tôi kể cho MQ nghe. Anh im lặng chẳng nói gì. Chắc anh cũng thương tôi.
             Ở nhà tôi được một tháng thì chúng tôi chuyển vào khu tập thể giáo viên khoa Toán. MQ chịu khó lắm, trồng xu hào xanh non mơn mởn, trồng ớt chỉ thiên quả bé xíu thật cay. MQ còn nuôi năm con gà mái đẻ trong một cái chuồng bằng gỗ. Gọi là chuồng, thực ra nó giống như một cái hòm to hình hộp chữ nhật, đóng bằng các  thanh gỗ kiểu như gỗ dát giường ấy. Hàng ngày, thả chúng ra, tôi cho ăn mấy hạt cơm nguội vét nồi, mấy cái lá xu hào già. Còn thì chúng tự đào bới kiếm con giun con sâu. Cả năm con đều óng ả mỡ màng, lớn nhanh như thổi. Mỗi con lông một màu khác nhau, màu mỡ gà, màu nâu nhạt, màu trắng pha tí vẩy đen, màu đen tuyền, và màu nâu sẫm đốm vàng. Đàn gà không có trống, nhưng hàng xóm bên cạnh nuôi nên bọn gà giao lưu với nhau vui đáo để. Năm ả gà mái bên nhà tôi nghe chừng sắp đẻ rồi. Thế mà, bống nhiên, một buổi sáng đẹp trời, bừng con mắt dậy, vợ chồng tôi chả thấy gà đâu. Ra chỗ để chuồng, thấy chiếc xích nhỏ đứt tung. Chả là MQ cẩn thận khóa móc chuồng gà vào một mớ gì tùm lum của công trình công cộng. Đi tìm xa xa ngoài cánh đồng, thấy cái chuồng hộp vứt chỏng chơ, còn năm ả gà mái óng mượt ấy đã bị kẻ trộm mang đi từ bao giờ. Mà lạ thật, tịnh chả có một tiếng quang quác nào vẳng lên trong đêm. Ruộng xa quá chăng, hay tại vợ chồng tôi mải say sưa trong giấc nồng hạnh phúc? Chúng tôi buồn lắm.Mặt mũi đứa nào đứa ấy bạc phếch trong gió lạnh. Tôi thương MQ hơn vì anh mất công nhiều để tạo dựng đàn gà này. Tôi thì chỉ cho gà ăn hàng ngày. Tôi bần thần nhìn mấy củ xu hào mơn mởn bụi phấn, mấy chiếc lá xanh già ôm bọc xung quanh. Buổi chiều nay, rồi mai nữa, đi làm về, tôi chẳng còn cái thú ngồi thái nhỏ chỉ xu hào để xào khan cho hai vợ chồng, và thái lá già cho đám gà chiu chiu mổ đớp đến nghẹn họng. Chúng tôi lấy nhau vào cái ngày giờ gì mà hay bị mất trộm thế nhỉ. Đến cơ quan mất dép má cho, về nhà tập thể mất gà sắp đẻ.
            Mất gà hôm trước thì hôm sau bố tôi vào thăm. Hôm ấy trời thật lạnh, bố tôi đi tàu điện hai tuyến rồi đi bộ vào khu tập thể. Ông mặc một cái áo ba đờ xuy dài, màu nâu xẫm may từ một cái chăn chiên phá ra. Nhà tôi chả có thức ăn gì, tôi cố chạy ra cửa hàng mua hai lạng thịt bằng tem phiếu, nhưng đen quá, chỉ còn toàn dọi long, nghĩa là bèo nhèo mỡ trên miếng bì. Tôi lọc bì ra kho riêng, còn lại băm nhỏ trộn với xu hào thái chỉ, một ít mắm, hành, chứ chẳng có mộc nhĩ chẳng có miến không có trứng nốt. Xong đâu đấy tôi đi gói nem, tức là bỏ cái nhân lộm nhộm vào cái bánh tráng mỏng thoa tí nước đường ướt nhèm nhẹp, đem rán lên chúng cứ ỉu xìu xìu, nghĩ mà thương bố và thương cả mình nữa. Nhưng may bởi trời rét quá nên ai bưng bát cơm lên ăn với cái nem rán dở hơi này cũng thấy ngon, thi thoảng ăn xì xụp thêm một ít canh xuông nấu từ củ xu hào MQ trồng!
             Khổ vậy mà đời vẫn tươi vui. Buổi chiều khi đi dạy về, MQ thường ngồi đánh cờ tướng với anh em trong khoa. Nhiều anh là thầy của chúng tôi. MQ về khoa nên đổi xưng hô là anh em và các thầy bảo tôi xưng anh em luôn cho thân mật. Thi thoảng tôi ngồi ké xem mọi người chơi. MQ chơi cờ tướng thuộc loại khá giỏi. Hễ ai khen thì MQ bảo “vợ mình dạy mình đánh cờ đấy!” khiến mọi người cứ trợn mắt lên nhìn tôi thán phục, và tôi thì ra sức thanh minh là MQ nói đùa mà họ vẫn không tin, tại vì khi nói MQ cứ tỉnh bơ như không, chẳng cười cợt gì hết.
            Sống ở nhà tập thể này, luôn được nghe gió rít từng cơn, nhất là ban đêm. Khi ngủ, chúng tôi có cái chăn bông năm kg nên thật ấm,  nhưng sáng ra trở dậy, nghĩ đi làm ngại lắm. Tôi phải đạp xe hơn 10 km, mặc áo bông Tầu hoa hai mặt đổi đi đổi lại cho đỡ chán. Chiều về, dù vẫn phải đạp xe trong gió rét, nhưng tôi hăng hái hơn, vì biết chồng đang chờ mình, sẽ lại có bữa cơm đơn sơ chỉ hai đứa gắp cho nhau. Hoặc lúc tôi mải mê xem MQ chữa xe đạp cho mình thì vui lắm, vì tôi khích “ơ…anh phải…vặn thế này chứ…ôi dào em không làm chứ em mà mó tay vào í à, thì..”. Trêu chồng thế thôi, chứ xe cộ là tôi đoảng nhất rồi, cấm biết cái gì cả.
            Không biết chữa xe đã đành, tôi còn không biết những việc quan trọng hơn nhiều. Đấy là chung sống đời vợ chồng trên giường ngủ thì khác khi đang yêu như thế nào. Nói, bạn đọc tha lỗi, tôi lấy chồng rồi mà lúc nào cũng “giữ gìn” như ngày yêu nhau nơi sơ tán ấy, bởi vậy tôi mới phải ghi lại đây những sự cố không thể nào quên được: Tôi lớn lên, dần hiểu ra nỗi khổ của me tôi, là bị vô sinh không có con. Nên tôi thầm nghĩ, mình lấy chồng là phải có thai ngay, không được chậm trễ. Cứ phải đẻ một “nhát” đã rồi tính tiếp. Bởi vậy, chúng tôi không kế hoạch gì cả. Nhưng khốn nỗi, hai đứa sống ở nhà bố mẹ tôi có “làm gì” được nhau đâu, kéo dài cả một tháng trời, cho tới khi chuyển vào ở tập thể, tôi mới bảo MQ đưa tôi khám phụ khoa phụ sản gì đó. Tiếp tôi là một nữ bác sĩ, thật là may mắn. Tôi kể hết cho bà nghe, rằng tôi mới lấy chồng, rằng chúng tôi yêu nhau lắm, mà…chịu chết! Bác sĩ khám cho tôi và bảo “màng trinh của em quá dày, thật là đặc biệt. Mà đụng đến em một tí là em dúm người lại thế này, chả trách…Em “nhát” thế sao còn cả gan đi lấy chồng hả? (cười) Chắc chồng em hiền lắm nên nó mới …thế!” Tôi ngượng quá, nhưng vui, và tâm sự tiếp rằng tôi muốn có con sớm. Tôi xin bác sĩ “giải pháp”. Bà cười hồn hậu:”Không phải chỉ mình em rơi vào tình trạng này đâu. Nếu cần, tôi có thể can thiệp để phá trinh hộ!” Tôi tự quyết nhờ bác sĩ. Vậy là sau đó, vợ chồng tôi có thể sinh hoạt như mọi người! Tôi kể cho MQ, may anh không giận, vì hiểu và thông cảm với ý muốn có con ngay của tôi. Rồi từ đó, hai đứa còn trêu nhau nữa. Tôi thì bảo “Bêu bêu MQ thấy người ta lấy vợ, cũng lấy vợ, ai dè chả biết gì”. MQ trêu lại tôi:”Có mà mình dấm dớ thì có. Ai đời dám lấy chồng mà cứ dúm tứ túc làm cho người ta hãi, sợ làm đau mình nên hổng dám xông lên!!!” Tôi vẫn chưa tha “Sao anh còn tiếc ngày ở sơ tán anh không mạnh dạn hả?” MQ chỉ cười trừ rồi cù tôi nhột muốn chết. Tôi phải hổn hển “thôi giờ thì muốn gì em chiều hết, chỉ xin đừng có cù em, em không chịu nổi, lỡ lăn ra tắc thở thì hối chả kịp đâu chồng hiền của em ạ”.
            Ôi chúng tôi yêu nhau say đắm biết chừng nào mà lại có chuyện ẩm ương như thế. Tôi dám chắc trên thế gian này chúng tôi là đôi vợ chồng đặc biệt, nếu không nói rằng có một và chỉ một mà thôi. Và giờ này viết truyện, tôi “thật thà quá, thật thà đến mức khó chịu”. Lỡ ra có ai đọc thấy khó chịu thật thì cố bỏ qua , đóng trang sách lại nhé, và đừng chấp tôi, một mụ già đã sang tuổi tây 64 rồi. Với cá nhân mình, tôi không thể quên được. Còn với bạn đọc, tôi muốn cho các bạn biết thêm một chuyện lạ có thật, để tăng thêm một chút ‘hiểu đời” dẫu rằng nó chả có gì hay ho hấp dẫn.

Trích từ Hồi kí: NƯỚC MẮT VÀ NỤ CƯỜI
                                   Bùi Thị Kim Thư
                                       Hết chương 3

2 nhận xét:

  1. Có lẽ chương này đúng nhất với tựa đề cuốn sách :"NƯỚC MẮT VÀ NỤ CƯỜI " ?!

    Trả lờiXóa
  2. "đúng" chứ chưa phải là "đúng nhất" anh ạ. Mà hình như cũng không có cái "đúng nhất" trong quyển này thì phải. Anh cứ đọc đi nhé. Cảm ơn anh nhiều.

    Trả lờiXóa