Mệt mỏi.
Trở lại chuyện tôi đi làm ở cơ quan trung ương đây. Tôi
về công tác tại phòng Đào tạo thuộc một Cục Kĩ thuật. Phòng chỉ có ba
anh em: anh Quy trưởng phòng, anh Hữu cùng học Đại học Tổng hợp trên tôi
ba năm và tôi. Sau mới có thêm hai bạn nam học sau tôi một khóa. Những
ngày mới đi làm, tôi buồn lắm. Trưởng phòng Quy đưa tôi một đống tài
liệu đọc để hiểu những nguyên tắc làm việc của cơ quan, tính chất mật và
tuyệt mật của số liệu, chứ chưa làm gì cả. Hàng ngày tôi đọc, một lát
lại nghỉ giải lao chạy ra cửa sổ tỏ vẻ ngắm xuống đường nhưng thực ra là
để khóc. Tôi nhớ trường lớp, nhớ bạn, nhớ người yêu. Tôi không thích
hợp ngay được với cái lối “sáng xách ô đi tối xách về” kiểu công chức
viên chức nhà nước này. Anh Hữu mới quen mà đã có cảm tình ngay với tôi
và tán luôn thật bạo dạn. Tôi ngại quá đành tông tốc kể rằng tôi đã có
người yêu chính thức rồi. Anh ấy bảo “Kệ, thứ nhất cự li thứ nhì cường
độ”. Tôi buồn cười và “kệ ” thôi. Nói vậy chứ các anh đều lớn tuổi hơn
tôi và là người tử tế, thấy cô em “cứng” quá cũng “cho qua”, chỉ thi
thoảng gửi thơ lục bát tán vui vẻ trêu đùa “Bát đũa còn có khi xô, Sao
Thư giận mãi đến giờ chửa nguôi”, nhìn tôi và tủm tỉm cười.
Thế rồi tôi chuẩn bị giáo trình dạy Toán, đến khi bị từ chối thì bàn
giao cho anh Ngọc - mới chuyển từ miền núi về, vốn cùng khóa học với anh
Hữu. Rồi tôi nhận công việc mới. Phải tự thấy rằng thần kinh mình rất
vững nên tôi mới nhận nhiệm vụ mà không có phản ứng gì. Đó là tập gẩy
bàn tính gỗ và soạn bài để đi phổ cập sử dụng nó trong công việc tính
toán. Chả là cơ quan tôi được giao nhiệm vụ tổ chức cơ khí hóa và tự
động hóa công tác tính toán trong các ngành kinh tế quốc dân, mà thời
bấy giờ làm gì có máy móc đâu, toàn tính nhẩm, tính tay viết trên giấy
thôi, nên trong kế hoạch dài hạn nặng nề được giao phó, thoạt tiên chúng
tôi phải triển khai công cụ tính toán thô sơ nhất đã, đó là bàn tính
gẩy. Những ông lang bán thuốc bắc lâu nay thường dùng bàn tính gẩy 7
viên bi . Nó được chia ra thành hai phần, phía trên mỗi gióng có 2 viên
bi, phía dưới có 5 viên bi. Giá trị của viên bên dưới là 1 thì viên trên
là 5. Anh Quy trưởng phòng tôi cải tiến bàn tính này thành bàn tính 5
viên, tức là mỗi gióng chỉ có 5 viên, phần trên có 1 viên giá trị 5,
phần dưới có 4 viên mỗi viên giá trị 1, khi gẩy thì đặt bàn tính ngược
với kiểu cũ, và gẩy bằng cả mười ngón tay, không mổ cò. Bàn tính này
được gọi là “bàn tính cải tiến” và cần được phổ biến rộng rãi, nó tốn ít
vật liệu hơn, mà gẩy nhanh hơn. Tôi là người được giao nhiệm vụ tuyên
truyền, đào tạo các thầy (oách quá!) rồi các thầy tiếp tục đào tạo phổ
biến nhân rộng. Tôi phải đi kiểm tra đôn đốc phong trào trong ngành mình
và khích lệ các ngành bạn. Thực ra hai bạn nam phòng tôi đều được phân
công cùng làm công việc như tôi, nhưng họ dứt khoát chối từ, nên về sau
được phân công việc khác. Lúc đầu tôi thấy là lạ, làm sao mà học Tổng
hợp Toán lại ra làm cái việc vớ vẩn này. Nhưng thôi thì cách mạng cần
việc gì làm việc đấy, mà suýt nữa chả có cơ quan nào nhận thì mình còn
sống dở chết dở ấy chứ. Thế là tôi trổ hết mẹo vặt để làm sao gẩy nhanh
nhất, rồi còn lí sự để nhân để chia để khai căn nữa. Tất nhiên là có sự
gợi ý chỉ đạo của anh Quy. Có một lần tôi lọ mọ đọc được ở đâu một cuốn
sách nhỏ nói là từ lâu lắm rồi người Nhật đã thay đổi bàn tính cũ thành
bàn tính 5 viên y trang. Tôi băn khoăn, thế trưởng phòng của tôi có đọc
được để biết vậy mà vẫn nhận bàn tính cải tiến là của mình không, nhưng
tôi sợ không dám hỏi, sau rồi tôi nghĩ có thể những ý sáng tạo là trùng
lặp, nên thôi cho qua, và cứ việc mình mình làm thế thôi.
Tôi
nhớ lại, khi mở những lớp giảng đầu tiên, học trò của tôi toàn là cán
bộ cự phách trong “làng” tính toán, có người đã thạo bàn tính cũ rồi, có
người chưa. Khi tôi giảng, mấy anh đàn ông bàn tán chỉ trỏ rồi cười
tôi, không chăm chú nghe gì cả. Tôi chợt nhớ, bố tôi kể khi ông đi dạy
học lần đầu tiên ông mới có 18 tuổi, lúc vào lớp, học viên không ai thèm
đứng lên chào, ông bực lắm. Hôm sau ông nghĩ ra mẹo là vừa vào lớp ông
đã vẫy tay “cảm ơn cảm ơn các anh chị ngồi xuống” thế là người ngồi bàn
trước tưởng người ngồi bàn sau đứng lên chào, cũng đứng lên. Cứ như vậy,
cuối cùng mấy bữa sau dần dần cả lớp đứng lên chào nghiêm chỉnh. Bấy
giờ tôi không ở trong tình trạng ấy, nhưng cần vận dụng ngay, phải lấy
độc trị độc mới được. Tôi vừa giảng vừa nhìn xoáy thẳng vào mấy ông
tướng này, nhìn không rời mắt dù chỉ một giây. Thế là mấy chàng đâm
ngượng, liếc sang chỗ khác, sau không dám nói chuyện nữa. Rồi khi giảng
tôi đưa ra những ví dụ vui vui và biểu diễn động tác cải tiến, tôi ra
bài tập mọi người làm và so sánh đáp số, thế là cả lớp đều chăm chú nghe
chăm chú gẩy, quên hẳn chuyện cười cợt cô giáo trẻ ranh. Có một lần đi
tuyên truyền bàn tính gẩy cải tiến tại phòng kế toán của một Sở, mấy cha
kì cựu có vẻ khó chịu, mình già đời làm kế toán gẩy bàn tính rõ thành
thục mà bây giờ con ranh này lại bảo bàn tính mới tốt hơn, tính nhanh
hơn. Đã vậy thì thi cho nó biết tay, cho nó hết nói phét đi. Thế là họ
đưa ra một trang số liệu dày đặc cần cộng. Họ cử một đại diện gẩy bàn
tính nhanh nhất để thi với tôi. Thật sự tôi bất ngờ, thấy hoảng, nhưng
không thay đổi được tình thế. Tôi đành cố làm thật bình tĩnh. Tôi và anh
ta bắt đầu thi có mọi người chứng giám. Tiếng lách tách của bàn tính
anh ấy gẩy rộn ràng, vì anh ấy gẩy mạnh, và do dùng bàn tính gẩy cũ
thường có những động tác thừa. Còn bàn tính của tôi không phát ra âm
thanh mấy nhưng nhìn vào sẽ thấy tôi gẩy uyển chuyển hơn bởi dùng nhiều
ngón tay. Kết quả thật bất ngờ, tôi hoàn thành xong trước ít phút, còn
kết quả thì hai người giống nhau. Thật hú vía. Do kết quả ấy mà họ mới
tiếp tôi và bàn bạc cẩn thận, không tỏ ý khó chịu nữa.
Tôi cứ đi lang thang Sở này Sở nọ, rồi Cục nọ Cục kia, và đi cả các tỉnh. Có lần tôi đi Nam Định và Thái Bình. Vì say ô tô, nên tôi đi tàu hỏa đến Nam
Định, mở lớp dạy ở đó, kết thúc lớp là buổi chiều sẩm tối, xong đi bộ
tiếp sang Thái Bình mặc dù đường dài tới 18 km. Bao nhiêu xe khách vụt
qua dừng đón tôi, nhưng tôi lắc đầu từ chối. Tôi đi bộ quen rồi, từ nơi
sơ tán, trên đường về Hà Nội tôi đi bộ 40 km cơ mà, nay có 18 km ăn nhằm
gì. Tôi đi nhanh lắm, và xuất hiện ở Thái Bình khoảng hơn tám giờ tối.
Mọi người ngạc nhiên sao tôi đến cơ quan vào giờ này.
Cục trưởng Thái Bình rất quan tâm đến cô giáo từ trung ương về mở lớp
bàn tính gẩy cải tiến và kĩ thuật tính toán. Ông ghé vào nhà ăn, thấy
tôi ăn xuất cơm tập thể chỉ có đĩa rau muống luộc nhỏ và mấy miếng đậu
phụ kho xuông, ông bảo nhà bếp từ hôm sau phải bổ xung cho tôi thức ăn.
Vậy là sau đó bữa nào tôi cũng được phát thêm một đĩa tôm gạo rang, mặn
ơi là mặn. Dù sao tôi rất biết ơn Cục trưởng, và kỉ niệm này tôi không
bao giờ quên.
Có
một buổi trưa tôi được báo mời dự bữa cỗ ở nhà dân, tôi không kịp biết
lí do, cứ đến là đến thôi. Tới nơi, người ta chỉ cho tôi một cái màn mắc
xùm xụp lên một cái chiếu đôi và bảo tôi chui vào đó. Màn là màn cũ
ngày xưa màu xám xịt nên từ ngoài tôi không nhìn thấy gì cả. Tôi lật màn
chui vào thấy sừng sững năm ông đàn ông đang ngồi quanh mâm cỗ. Tôi
giật cả mình, xong buồn cười quá vì mọi người giải thích là phải ăn cỗ
trong màn vì nhiều ruồi! Một buổi tối khác, tôi được mời ăn mít. Bọn trẻ
đang ngồi ăn mít la liệt dưới đất, bóc từ nhiều miếng bà chủ nhà bổ
sẵn. Thấy thế, tôi ngồi xà xuống cùng ăn với bọn trẻ. Bà chủ nhà la lên
“cô giáo ơi chúng nó bẩn lắm, tôi đang bóc mời cô đĩa riêng đây
này!”.”Ôi không sao chị ạ, em ăn với các cháu cho vui”. “Cô giáo bình
dân quá nhỉ?”. He he tôi thầm nghĩ, chị ơi mít là thứ em thích nhất
trong các loại hoa quả, và khả năng ăn của em là vô tận. Em vốn bình dân
thì đúng rồi nhưng chị làm sao biết được em ăn với các cháu vừa được
tiếng dễ hòa đồng, vừa ăn được nhiều ai biết đấy là đâu, lát nữa chị bóc
xong em ăn thêm mấy miếng nữa, chứ em ngồi đợi đĩa mít của chị rồi em
ăn hết cả đĩa to tướng như vậy thì còn ra thể thống gì nữa chứ. Tôi gian
đến vậy là cùng.
Phải mất gần hai năm tôi đi rong
ruổi khắp nơi như thế, lúc thì dạy ở Hà Nội, và xung quanh Hà Nội. lúc
thì đi xa. Tôi bận mải và gắng quên những buồn chán. Tôi đi tìm niềm
vui ở mỗi lớp với những học viên đa phần lớn tuổi hơn tôi. Tôi dần vui
lên khi biểu diễn gẩy bàn tính nhanh nhẹn uyển chuyển trước sự chăm chú
của mọi người. Tôi không còn thời gian để ý xem có bao nhiêu con mắt
thán phục quí mến, bao nhiêu con mắt chán nản và chế giễu. Tôi nhận ra
khả năng thuyết trình có phần lôi cuốn của mình. Chả trách khi ra
trường, ông Trời cứ xui khiến tôi ghi cả ba nguyện vọng là “dạy học”,
nhưng có ai phân công vậy đâu. Bây giờ thì tôi đang dạy học đấy thôi,
còn yêu cầu đòi hỏi gì nữa?
Những ngày làm việc ở
Hà Nội, tôi rất chăm vào thư viện đọc sách, đọc cho quên bớt nỗi buồn
rằng mình học đại học Toán mà đi gẩy bàn tính cộng trừ nhân chia, lại đi
giảng vài cái kĩ thuật tính toán làm tròn số gượng gạo, rằng luôn phải
gồng mình lên những là hoàn thành bất kì nhiệm vụ nào được giao, vân vân
và vân vân. Nhưng rồi tôi tự so sánh, anh Quy đi học bao năm ở nước
ngoài về mà chỉ nghiên cứu bàn tính gẩy cải tiến, thì mình học trong
nước đi triển khai phổ biến cái công trình sáng tạo ấy là may lắm rồi
còn gì nữa?Và càng về sau tôi càng tự trấn an rằng, mình đang làm một
công việc rất có ý nghĩa đó là giúp cho mọi người có thói quen tính toán
bằng công cụ thô sơ rẻ tiền, nhưng không mệt mỏi dễ sai như khi tính
nhẩm thủ công. Đấy là cố vậy thôi, còn thì trong thực tế, phong trào có
được lan rộng lắm đâu, ai quen dùng bàn tính gẩy cũ thì cứ cũ mà dùng,
ai chưa biết thì tập dùng nhưng không dễ kiên trì làm quen được. Về sau,
phong trào tạm lắng xuống nhường chỗ cho máy tính quay tay Nisa, Phi
Ngư thịnh hành, vì dễ sử dụng. Đến bây giờ, tôi còn giữ ấn tượng khó
quên vui vui là lạ của ngày xưa, đó là mỗi khi bắt gặp bàn tính gẩy cải
tiến xinh xinh, phân màu từng ba gióng một, nằm ngay ngắn trong một số
cửa hàng mậu dịch, được bán thoải mái không phải cung cấp, phân phối gì.
Vậy là tôi đã miệt mài với công việc tưởng chừng rất tẻ
nhạt và vô lí gần hai năm trời. Ngày ấy, sau 18 tháng thực tập là được
vào biên chế chính thức. Tôi được duyệt ngay biên chế vì luôn hoàn thành
tốt nhiệm vụ. Nhiều khi Cục trưởng giao thẳng cho tôi (không qua phòng)
viết đủ loại công văn giấy tờ gửi đi các ngành, địa phương và mỗi khi
trình lên, ông không đọc kí luôn và chỉ nói đúng một câu “tôi kí đây còn
cô thì chịu trách nhiệm nhé”. Lúc đầu, tôi ngớ ra tưởng Cục trưởng nói
đùa hóa ra thật. Kể cũng vui. Lãnh đạo “tín nhiệm” thế chỉ tội ông không
nhớ tăng lương tôi khi đến hạn, và sau này chỉ một câu “tôi xin lỗi,
tôi quên không đề nghị nâng lương nên cô thiệt thòi”. Ngày ấy, tôi chả
nghĩ gì, nhưng sau này, cuối đời rồi, khi họp lớp cũ với các bạn, mọi
người hỏi lương, tôi nói, thì chả ai tin, cứ khoát tay bảo tôi nói dối,
làm gì có chuyện lương thấp thế. May mà tôi “ghét” tiền nên tăng hay
không tăng lương chả có gì quan trọng!
Ấy, lương không
quan trọng mà một cái phiếu ăn tập thể lại quan trọng. Nó làm tôi khốn
đốn cả năm trời. Số là thế này, năm đầu đi làm tôi ăn cơm nhà, năm sau
ăn ở nhà ăn gần cơ quan. Một tháng nộp 18 đồng, cùng với tem gạo 13 kg.
Nhà ăn phát các phiếu ăn từng bữa. Nếu bữa nào không ăn thì đến báo
trước và người ta đóng dấu vào phiếu, rồi cuối tháng thanh toán tiền, và
nhận lại phiếu lương thực tương ứng. Tem lương thực này có thể dùng để
đổi lấy bánh mì rất rẻ. Một lần, tôi đi công tác vắng, quên không báo
trước cho nhà ăn. Khi về, sực nhớ nên tôi đến, định trình bày vì công
tác gấp chưa kịp báo cắt cơm, mong họ thông cảm mà đóng dấu cho cái
phiếu ăn. Nhưng nhìn quanh căn phòng, chả có ai ở đó. Thấy sẵn con dấu,
tôi liều mạng đóng béng vào phiếu ăn. Biết là gian đấy, nhưng tôi tự
nhủ, mình không trộm cắp của ai, của mình mình tiếc, cần thanh toán mà
dùng cho bữa khác chứ. Quan trọng là ở cái tem phiếu ấy, chứ không phải
tiền của bữa ăn, có đáng gì bao nhiêu. Nhưng khổ thân tôi, gian thì phải
chịu, đúng lúc đóng dấu thì người ta trở về, bắt được quả tang con bé
vừa tự ý đóng trộm, thế là họ lập biên bản ngay, mặc cho tôi trình bày.
Tôi không khóc, nhưng tôi biết mình sai, nên đành chịu và kí vào biên
bản, kí rằng đã tự ý đóng dấu xác nhận không ăn…một bữa cơm tập thể!
Biên bản tức tốc được gửi về cơ quan. Năm ấy, tôi bị cắt “lao động tiên
tiến”, một năm duy nhất trong đời không đạt danh hiệu thi đua này. Còn
may là mấy anh lãnh đạo Phòng, Cục đều quí và thương tôi nên không làm
ầm ĩ lên, bạn bè đồng nghiệp thì đều cùng trường đại học với mình, ái
ngại cho mình và họ là nam giới không thích buôn lắm chuyện nên lơ đi
(đoạn này là tôi hàm ý nói xấu phụ nữ đây, hay thích truyền khẩu các vụ
“Oa tơ ghết”. Xin lỗi chị em nhé, đừng giận, tôi cũng là phụ nữ mà!).
Phải công nhận ngày ấy nghiêm thật, và tôi xấu hổ day dứt vô cùng. Tôi
dấu MQ, dù anh sắp là chồng tôi rồi. Nhưng không thể giữ kín một mình,
tôi phải hẹn một buổi “đi chơi” và tâm sự với bạn cùng lớp đại học với
tôi và MQ. Tôi kể và khóc, tôi ngượng lắm. Bạn nghe xong an ủi mãi tôi
mới nguôi ngoai. Tôi xấu hổ bởi chính tôi, giống MQ, là người rất ghét
gian dối. Chuyện nói dối thì cả đời công tác của tôi, có khi số lần nói
dối chỉ đếm bằng mấy đầu ngón tay, đến nỗi ông giám đốc của tôi những
năm sau này, đã phải bảo “Chị thật quá, thật đến mức khó chịu!!!”. Vậy
mà tôi không vượt qua được một cái tem 225 gam lương thực trời đất ạ,
nên tôi mới khổ thế. Kỉ niệm buồn ấy theo tôi mãi suốt cuộc đời, không
cách gì xóa nổi. Tôi chẳng nhớ sau lần ấy, bạn có mách MQ hay có lúc nào
tôi kể với MQ không, hình như không bởi tôi sợ MQ không thông cảm. Tôi
vẫn còn cảm giác sợ hãi và thương các bạn đào trộm sắn hồi nào mà chi
đoàn bắt làm bản kiểm điểm đó.
Ngày
tháng dần trôi cùng những chuyến tôi đi phổ cập bàn tính gẩy mệt mỏi về
thể xác, nhức đầu do đấu tranh tư tưởng để chịu đựng, mà không phải
do làm gì vất vả cao siêu. Bù lại, thời đó, các sinh hoạt công đoàn,
đoàn thanh niên, tập quân sự, đều diễn ra ngoài giờ chính quyền, trong
đó có sinh hoạt văn nghệ thật sôi nổi với những buổi biểu diễn trong cơ
quan, liên cơ quan, tôi rất nhiệt tình tham gia và bớt đăm chiêu ủ dột
đi nhiều. Chúng tôi lại hợp xướng Sông Lô, Sông Thao như ngày sơ tán, có
điều khác là tôi được mặc áo dài quần trắng, tô ít phấn son, và đứng
dưới ánh điện tỏa sáng chứ không phải dưới ánh đèn măng sông trên núi
rừng Thái Nguyên thuở trước.
Đi làm, thi thoảng công đoàn
phân phối bánh kẹo, này là mỗi người hai cái bánh nướng tròn tròn xinh
xinh, này là từng dúm kẹo cứng, kẹo bi nhiều màu chia ra cẩn thận, rồi
mỗi người đóng tiền có mấy hào thôi, mang gói của mình về nhà. Lúc đầu,
tôi ngạc nhiên và khó chịu lắm. Sao không ăn chung cho vui, sao lại mang
về ? Lâu nay tôi quen cuộc sống sinh viên, thiếu đủ gì đều có nhau mà.
Lạ rồi cũng phải chấp nhận, dần dần vui nữa vì có mang về thì me mới
được ăn, hoặc cho thằng em vài cái chứ.
Trích từ Hồi kí: NƯỚC MẮT VÀ NỤ CƯỜI
Bùi Thị Kim Thư
( Còn nữa )
Thẳng thắn,thật thà THƯỜNG TUA THIỆT
Trả lờiXóaLỗi lầm luồn lọt LẠI LÊN LƯƠNG !...
Thì ra điều này đã xảy ra từ lâu lắm rồi cà !
Bây giờ lương được lên rồi anh ạ, từ tháng 7 đấy, sẽ truy lĩnh sau hì hì...
Trả lờiXóa