Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Ba, 20 tháng 1, 2015

Trần Quý Nha viết về miếu thờ Phạm Nhan






                                     MIẾU PHẠM NHAN


          Miếu Phạm Nhan ở bên cạnh sông Thanh Lương, xã An Bài, huyện Đông Triều  1. Tục truyền thần miếu ấy tên là Nguyễn Bá Linh. Bố thần quê ở tỉnh Quảng Đông, sang ngụ nước ta, lấy vợ người xã An Bài rồi sinh ra Bá Linh.

          Bá Linh đỗ Tiến sĩ triều Nguyên, giỏi phép phù thủy, được vào cung chữa bệnh, rồi thông dâm với cung nữ. Sau việc phát giác, phải tội tử hình.

          Bấy giờ người Nguyên sang xâm lược nước ta, Bá Linh xin làm hướng đạo để lập công chuộc tội. Vua Nguyên chuẩn y.

          Trong trận quân ta đanh nhau với quân Nguyên ở sông Bạch Đằng. Bá Linh và Ô Mã Nhi đều bị Hưng Đạo Đại Vương bắt sống. Khi đem Bá Linh ra chém, hắn kêu xin được hành hình ở quê mẹ. Hưng Đạo Đại Vương bèn cho đem hắn về làng An Bài hành hình rồi vứt thi hài xuống sông.

          Lúc bấy giờ trên khúc sông ấy có hai người đánh cá, kéo lưới được cái đầu lâu, bèn khấn rằng:

          --Nếu có linh thiêng thì phù hộ cho chúng tôi được nhiều cá, chúng tôi sẽ đem mai táng ngay.

          Quả nhiên hai người ấy bắt được cá gấp bội mọi ngày, liền đem cái đầu lâu chôn ở trên bờ sông.

          Về sau, những khi hai người đánh cá đi chợ qua chỗ ấy, thường hay rủ thần đi chơi, lâu ngày thành quen. Hai người đánh cá cùng với thần thành ba, cho nên tục gọi là “ba hồn.

          Bọn này theo thói cũ, hễ muốn chòng ghẹo phụ nữ nào thì gọi tên Bá Linh rồi chỉ tay vào người ấy, người ấy sẽ bị ma ám ngay. Vì thế dân trong vùng phải lập miếu thờ làm thần.

          Trước kia khi sắp hành hình. Bá Linh hỏi Hưng Đạo Đại Vương cho ăn gì? Đại Vương bảo cho mày ăn máu để của đàn bà. Sau thần đi khắp trong nước tuyên dâm, hễ gặp đàn bà để là tiếp ngay. Người đàn bà nào gặp thần ấy, bị ốm mê mệt, chữa mãi không khỏi. Nếu người nhà biết thì đến ngay đền Kiếp Bạc cầu đảo, lấy một chiếc chiếu mới thay vào một chiếc chiếu cũ vẫn ngồi ở đền, rồi lừa lúc người ốm không để ý, đem chiếu cũ trải vào giường cho người ốm nằm, và lấy hương thờ ở đền đốt ra hòa với nước, cho người ốm uống vào thì khỏi ngay. Nhưng chỉ những người đàn bà nào bị thần tiếp, thì mới ứng nghiệm.

          Các nơi xa gần đem chiếu mới đổi lấy chiếu cũ rất đông. Có nhà vừa đem chiếu cũ về nhà chưa kịp trải, thì người ốm đã khỏi rồi. Những sự ứng nghiệm đại loại như thế.

          Trước thần được phong là Thượng đẳng. Một hôm vua đi tuần du, đến cửa miếu, thần không cho thuyền các cung nhân đi qua. Vua tức giận lấy súng bắn vào miếu và giáng thần xuống một bậc. Đến nay dân vẫn còn thờ cúng.

          Than ôi! Một cái dâm từ mà được thờ cúng tới 500 trăm năm, thì ra đời này không có Tuần phủ Địch Nhân Kiệt 2 thực đáng bùi ngùi lắm.

                    (Theo Công dư tiệp ký tục biên-Trần Quý Nha)

Chú thích:
          1-Xã An Bài: từ trước tới nay xã An Bài đều thuộc địa phận huyện Chí Linh, Hiện nay là thôn An Bài, xã An Lạc, huyện Chí Linh. Không hiểu sao ở đây lại nói thuộc huyện Đông Triều ? Tác giả nhầm chăng?
          2-Địch Nhân Kiệt: người đời Tùy Dạng Đế(605-616), chủ trương phá bỏ các dâm từ để uốn nắn lại phong tục. Trong lịch sử Trung Quốc còn một Địch Nhân Kiệt khác là  danh thần đời Đường, làm tể tướng thời Võ Tắc Thiên.


20/01/2015
Đỗ Đình Tuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét