Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Sáu, 2 tháng 1, 2015

TÌNH NGƯỜI ( Tiếp theo)

  Mấy bữa rồi tôi bị cúm nghỉ ở nhà. Tôi mới đi làm trở lại. Anh Thư nhìn thấy tôi lần này vồn vã không nói những lời khó chịu nữa. Anh chỉ bảo: “Chào cô Thư, cô đi đâu thế không thấy cô lên thư viện đọc sách nữa?” Anh nhìn thẳng tôi, miệng cười cười nhưng tôi đọc được ở đó một nỗi buồn khó tả. Tôi hơi lúng túng nhưng chưa bao giờ tôi thấy anh lành hiền như hôm nay, cứ như thể anh biến thành một con người khác. Tôi giải thích việc mình vắng mặt, rồi tự nhiên đánh bạo hỏi anh sao hôm nay không trêu tức tôi như khi tấn công mọi người không chút nề hà. Anh lặng đi một lát, rồi khẽ bảo: “Thật ra, tôi không có ý châm chọc ai cả. Nhưng nói thật với cô Thư, tôi luôn cảm thấy mình quá dị dạng trước mọi người. Nên tôi phải chủ động tấn công họ trước. Một khi họ nổi khùng lên với tôi, thì tôi đắc thắng vì tôi là người chủ động tạo nên cơn tức bực này. Họ ghét tôi, đành vậy, nhưng ghét là bởi tôi đã coi họ không ra gì chứ chẳng phải họ khinh thường tôi, cô hiểu không?” Tôi khuyên anh chân thành: “Vâng, em hiểu. Với em thì không sao, anh có thể trêu tức đủ điều, em không giận anh đâu. Nhưng với người khác, anh đừng làm thế. Ai cũng quí và kính trọng anh. Anh đừng mặc cảm làm gì” Hoàng Thư tư lự: “Phải, tôi biết…Thú thực với cô, từ khi quen cô, tôi cũng dần dần bớt châm chọc đi chứ ngày trước thì còn kinh khủng hơn nhiều”. Tôi thấy vui vui:” Vâng. Em mong anh sống thoải mái, hòa đồng   với tất cả, chính anh sẽ thấy dễ chịu hơn. Mà em nghe nhiều người khen anh lắm anh Thư ạ. Họ còn kể với em là từ nhỏ anh toàn tự học thôi, vào đại học tổng hợp anh thi theo kiểu thí sinh tự do rồi đậu và đây là lần đầu tiên anh tới trường học, có phải thế không ạ?” Anh Thư gật đầu, không nói thêm gì nữa. Một lát sau anh mới nói khẽ, “lúc nào rảnh hoặc nghỉ giải lao khi làm việc quá căng thẳng cô cứ lên thư viện nhé, ta nói với nhau nhiều chuyện hơn”.
            Thế là từ đó, tôi và anh dần trở nên thân thiết. Anh vẫn trêu tôi vẫn bông đùa đủ thứ nhưng có vẻ chân tình hơn, không xa lạ như những ngày đầu mới quen. Thi thoảng chúng tôi đi dạo bên nhau trên từng con phố nhỏ của Hà Nội 36 phố phường. Một lần, chúng tôi đi quanh hồ Hoàn Kiếm. Khi đó sắp tết nguyên đán. Thực ra tôi chẳng biết quê anh ở đâu nên cứ hỏi bừa:”Tết này anh Thư có về quê không ạ?” Anh cười hồn hậu: “Không, vì gia đình tôi ở cả trên này từ lâu rồi, quê Thái Bình chỉ còn ít anh em họ hàng thôi cô ạ”.
-      Anh có đi đón giao thừa không anh? 
-     Có, ngày trước tôi hay ra hồ Hoàn Kiếm xem thiên hạ hái cành lộc…nhưng từ hai năm lại đây tôi không đi nữa.
-   Vâng, đêm giao thừa thường lạnh và mưa phùn, anh ra ngoài phải cẩn thận, mặc áo ấm…Sao mấy năm nay anh lại không đi nữa?
   - Nghe cô hỏi, tôi chợt nhớ lại một chuyện buồn. Đó là cái Tết năm kia, như lệ thường, gần đến Giao thừa là tôi đi bộ ra hồ Hoàn Kiếm. Cô biết đấy, nhà tôi ra Hồ khá gần. Đêm hôm đó, mọi người đổ ra đường đông lắm. Tôi lững thững đi trong dòng người hướng về phía hồ. Năm nào cũng vậy, tôi chỉ đi một mình cô ạ.
Tôi chưa hiểu chuyện gì đã thấy lòng nao nao:
-    Dạ, em hiểu. Anh sẽ cảm thấy buồn?
Anh lắc đầu: 
 - Không, tôi quen rồi. Tôi chẳng buồn rầu gì hết nếu như không        xảy ra một tình huống bất ngờ và khó chịu. Tôi đang đi, thì trông thấy đi ngược lại về phía tôi, cặp vợ chồng anh chị tôi cùng một đám đông bè bạn nói cười vui vẻ. Tôi hơi sững người, nhưng cũng đang định đáp lời anh chị khi họ hỏi tôi. Nhưng không phải thế, anh chị lơ đi coi như không biết tôi là ai. Chắc anh chị xấu hổ ngượng ngùng với bạn bè rằng đã có người em trai xấu xí tật nguyền như tôi mà cô.
 Tôi không cầm lòng được dụi dụi mắt:
 - Ôi…em chẳng nghĩ thế…
 Anh hơi ngừng lại trong giây lát, hít một hơi thở sâu:
-    Cô không nghĩ thế nhưng sự thực là thế. Tôi tủi thân lắm cô Thư ạ, mặc dầu bình thường tôi cứng cỏi như cô đã biết. Tôi trở về, tự thề với mình rằng, sẽ không bao giờ đi đón giao thừa nữa. Nhưng tôi không ở nhà, tôi vẫn ra đường, đi một mình trong phố vắng, và không dám nhìn vào nhà ai, lỡ bắt gặp người ta âu yếm nhau, hay thấy cảnh vợ chồng con cái quấn quít bên nhau… 
           Từ hôm nghe anh Thư kể chuyện buồn trong đêm giao thừa ấy, lòng tôi chẳng lúc nào yên. Tôi tự bảo mình phải tìm mọi cách để làm cho thiên hạ biết rằng anh Thư chẳng làm sao cả, anh cũng có … bạn gái như mọi thanh niên khác, bạn gái ấy là tôi - mỗi tội bạn gái của anh không đẹp, nhưng thế thì đã sao nào, có phải mọi cô gái trên đời đều xinh xắn cả đâu?
           Thế là tôi vào “cuộc” ngay. Tôi tha thiết mời anh đi xem phim tại rạp Tháng Tám và anh nhận lời. Tôi hẹn chờ anh ở vườn hoa Mê Linh gần đó. Tới chỗ hẹn, anh đã ở đó từ bao giờ rồi. Hôm ấy, tôi cố tình mặc chiếc sơ mi popolin trắng tinh cổ cánh sen tức là mặc chiếc áo đẹp nhất nhưng khổ nỗi cái quần thì mầu nâu bàng bạc trông gớm chết. Tôi nghĩ chuyện mặc áo đó vì anh Thư cũng hay mặc áo trắng, nên tôi hi vọng có sự “đồng bộ”. Nào ngờ anh lại mặc sơ mi nâu sẫm làm nổi bật nước da trắng yếu ớt của anh. May mà qua cặp kính cận trong suốt, có thể nhìn thấy đôi mắt anh hôm nay thật linh hoạt khác thường, chẳng còn chút gì căng thẳng trên bộ mặt khắc khổ như mọi khi nữa. Bất giác tôi tủm tỉm cười rồi hỏi như để mà hỏi: “Anh ăn cơm rồi chứ ạ?” Anh nháy mắt cười trêu: “Chả lẽ tôi lại nhịn đói đi xem phim với cô sao?” Đoạn anh hơi băn khoăn: “Mà ta xem phim gì thế cô?” khiến tôi lúng túng quá: “Dạ, em … chưa biết. Ta cứ đến đó là xem luôn mà anh. Em vẫn hay đi xem thế. Thôi mình đi kẻo muộn anh ạ”.
           Chúng tôi đi bên nhau sóng đôi. Tôi tết hai đuôi sam dài và mượt, buộc dây chun hẳn hoi. Tôi gắng đi đứng thong thả ngang tầm bước chân của anh. Anh bị gù lưng và ngực nên phần trên ngắn, còn chân thì bình thường, nhưng chắc là mảnh gầy ẩn trong chiếc quần vàng nhạt hằn mép là thẳng tắp. Tôi cao hơn 1m6 mà anh chưa tới 1m4 nên tôi không dám đi sát vào anh. Tôi không ngại gì về mình, tôi chỉ lo anh có chút mặc cảm về sự không cân xứng ấy. Với lại, ngày đó tôi luôn tâm niệm cái sự “nam nữ thụ thụ bất thân” nên không bao giờ dám có sự va chạm nào với người khác giới, chỉ ngoại trừ riêng Minh Quang thì dĩ nhiên tôi có thể “ngả ngốn” mà cũng chỉ vào lúc hai đứa đi với nhau trong khoảng tôi tối rất ngắn ngủi nào đấy thôi. Gọi là không dám đi sát, nhưng tôi cảm thấy tôi có đủ “tư thế” để mọi người nhìn vào hiểu ngay rằng chúng tôi là một “cặp đôi” hẳn hoi, và tôi cảm thấy tự hào về điều đó, niềm tự hào tạo ra cho người bạn lớn mà tôi quí trọng.     
           Tới rạp, tôi liếc nhìn mấy tấm phông quảng cáo, rồi hồn nhiên la to: “Anh Thư này, hôm nay người ta chiếu phim hài đấy, chắc là sẽ vui lắm”. Anh im im hơi khó hiểu rồi như lơ đãng: “Ờ ờ hi vọng là thế”. Tôi vẫn say sưa kể lể: “Em thích rạp chiếu bóng này, xem dễ chịu lắm anh ạ. Nhưng hôm nào chiếu phim hay thì khó mua vé lắm, đông người mua đã đành mà cái chính là “phe” sẽ mua hết, không tới lượt mình đâu. Anh chờ em một chút nhé, em mua vé và chắc chắn sẽ chọn được chỗ thật tốt”. Tôi chạy vào ô cửa bán vé, gần như tức khắc tôi giơ giơ hai vé trước mặt anh rồi nhẹ kéo tay anh bước vào rạp. 
            Nhưng thật khốn khổ, bữa ấy, cảnh trên phim hài lại xuất hiện một chú hề có diện mạo y chang anh Hoàng Thư. Tôi hoảng hốt, mặt tái dại quay sang anh hổn hển: “Anh Thư ơi, em hơi mệt, như là bị chóng mặt ấy. Ta phải về thôi anh ạ. Khi khác sẽ xem. Anh Hoàng Thư nhìn tôi im lặng và cũng đứng lên lật bật bước đi. Tôi bấm đèn pin thủ sẵn trong túi để hai anh em thấy đường len lén đi ra trước ánh mắt hơi soi mói của mọi người xung quanh. 
            Ra khỏi rạp, anh lo lắng : “Em có sao không Kim Thư?” Nếu tôi không nhầm, đây là  lần đầu tiên anh Thư gọi tôi là “Em”, tôi xúc động : “Dạ dạ, em không sao. Em hơi choáng, em vẫn bị thế luôn anh ạ…Ra ngoài này dễ thở hơn nên em dễ chịu ngay thôi”.
Chúng tôi thong thả đi bộ về phía vườn hoa Mê Linh. Trước khi chia tay, tôi ngập ngừng: “Em xin lỗi anh, anh Thư nhé. Em chẳng biết nói sao bây giờ. Em không cố tình, chỉ là ngẫu nhiên xem phải cái phim này...” Anh im lặng nhìn tôi một lát, không dấu được ánh mắt buồn khôn tả.
                                        Hồ Minh Quang
                                            ( Còn nữa )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét