Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2014

Ngang qua mùa hạ

 







         Rồi phượng cũng thôi những ngày đỏ nao nức. Chỉ còn sót lại trên cây những đốm lửa nhức nhối, luyến tiếc như níu giữ điều gì. “Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế/ Hoa súng tím vào trong mắt lắm mê say”. Còn lại điều gì trong ta khi mùa hạ đang dần trôi qua và những tháng ngày hoa mộng nơi giảng đường đã khép lại.
       Ta đã đi qua bao nhiêu mùa hạ và những mùa hoa ăm ắp kỷ niệm. Còn đâu mùa hạ nào vỡ òa trong những niềm vui thơ trẻ khi được cất đi sách bút và đắm mình vào những kỳ nghỉ tưởng như bất tận. Ba tháng hè của ta ngày xưa đã từng là những ngày tháng thần tiên nhất. Nào là thả diều, chăn trâu, tắm sông, bắt chim, hái quả. Những bạn bè ta thuở ấy ngỡ là mãi mãi bên nhau và mãi mãi bé thơ như thế. Có đứa trẻ nào đã biết âu lo hay hình dung về ngày xa cách khi mà những trò chơi con trẻ đang cuốn chúng vào một thế giới diệu kỳ mà không một thứ gì có thể đánh đổi, mua bán được. Nhưng rồi cũng qua mau thôi những mùa hạ như thế. Ta đã lớn lên và đi xa, những mùa xưa đã thành kỷ niệm. Bây giờ dù là ở thành thị hay nông thôn cũng không đứa trẻ nào được sống trọn vẹn ba tháng hè như ta và những bạn bè cùng thời thuở trước. Cuộc sống cứ hiện đại, phát triển dần lên, cùng với đó lũ trẻ cũng phải chạy đua với thời gian ngay từ khi mới chập chững vỡ lòng. Những lớp luyện thi, những buổi học thêm đã cướp đi của chúng những mùa hè thơ ấu. Ta cứ bâng khuâng tự hỏi, phải chăng ba tháng hè đã trở nên lãng phí trong cuộc sống hối hả ngày nay, hay từ bao giờ tuổi thơ đã bị đánh cắp?

       Ta lớn khôn lên cùng những mùa hè. Những tri thức khoa học và nỗi say mê bí ẩn của sách vở đã cuốn ta đi. Gửi lại miền quê xa xôi nghèo khó những mùa hè thơ ấu, những trò chơi con trẻ, những bè bạn cùng thời, một mình ta đi đến những chân trời khác theo tiếng gọi của ước mơ. Đôi lần trên chặng đường dài rộng ấy ta nhìn lại, cứ mỗi mùa hè qua lại thấy như rơi rớt mất điều gì. Về thăm quê mỗi dịp nghỉ hè lòng không khỏi bồn chồn, xao xuyến. Nhưng những mùa hè đã không còn vẹn nguyên. Bạn bè xưa vài đứa đã lấy chồng, lấy vợ, con bồng con bế. Gặp nhau trên bờ đê ngày cũ, bạn cúi đầu, quay mặt bước qua, để nắng hè càng thêm rát bỏng. Nắng chẳng còn lung linh như nắng ngày xưa, cái thuở đứa nào cũng đầu trần chân đất trốn nhà giữa trưa đi tìm chim hái quả. Có đứa lại nghe nói đã bỏ quê đi bặt xứ người, thi thoảng tin tức đưa về khiến dân làng thót tim, lúc thì bị giam giữ vì ăn chơi phạm pháp, lúc thì đang nằm viện vì ẩu đả, tranh giành. Còn lại đa số cũng đã đi mưu sinh nơi đất khách với đủ các nghề công nhân, thợ xây, giúp việc. Đã xa thật rồi những ngày vô tư trong trẻo. Chỉ còn ta tìm lại tháng ngày cũ nhưng bạn bè cứ dần xa ta, trong mắt bạn, ta đọc được chút gì xa lánh. Chỉ bởi ta đang đi con đường khác bạn thôi.

        Những lần nghỉ hè về quê cũng thưa dần. Nơi phố phường, học tập, công việc choán hết quỹ thời gian ngắn ngủi, và hối hả. Những năm tháng sinh viên đã cho ta thêm nhiều thứ khác. Trường lớp, thầy cô đã cho ta trưởng thành hơn từ những tri thức, hiểu biết và sự trải nghiệm. Bạn bè tứ phương gặp gỡ, kết thân cho ta nhiều kỷ niệm. Cũng đã không còn bé dại để mà đắm chìm trong những trò chơi. Mà ta đã thực sự sống, học tập và làm việc bằng chính những nỗ lực, đam mê, ước mơ của bản thân mình. Những mùa hè của thời sinh viên là những chuyến đi tình nguyện, là tiếp sức mùa thi, là công việc làm thêm, là những đêm thao thức cùng ánh đèn nơi thư viện. Nhưng rồi tất cả cũng đang dần lùi xa khi mùa hạ này ta ra trường.

       Ta đã đi ngang qua bao nhiêu mùa hạ để nỗi nhớ cứ đầy thêm. Rồi đây ta thực sự phải trưởng thành, va vấp. Những mùa hạ đã qua xin xếp vào một ngăn ký ức. Nếu có dịp trở về ấu thơ vẫn mong được sống trong những mùa hè năm ấy cùng những bạn bè thuở ấy. Vì rằng đó là hành trang quý giá cho tâm hồn ta mỗi khi mùa hạ ngang qua.

                                               NGUYỄN THỊ KIM NHUNG 
                                      ( Sưu tầm.  Nguồn: Nguoichilinh. com )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét