Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Năm, 3 tháng 7, 2014

Lê Như Cọp ( KÌ I)

  (Truyện rất vui, hay mà MQ thích nên xin bạn mang về đây)


          Quê tôi ở Huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Làng tôi nằm cách Tiên Châu xưa chỉ một cánh đồng. Thuở xa xưa, vào thời nhà Mạc, làng bên ấy có ông Trạng ăn Lê Như Hổ. Năm 30 tuổi, ông đỗ Tiến sĩ, rồi ra làm quan, lên cao nhất đến chức Thượng thư trong Triều nhà Mạc.
          Nhưng cái sự nổi tiếng của ông mà không ai có, để được truyền tụng đến muôn đời lại chính là tài ăn và sức khỏe. Bình thường, ông ăn bằng mười người khác, tất nhiên làm việc cũng phi thường. Còn để ăn cho đã thì ông ăn phải bằng ba mươi người. Cha mẹ ông thuộc hàng trung lưu trong làng mà cũng chỉ đủ sức nuôi ông đến tuổi trưởng thành. Ông phải đi ở rể sớm vào nhà giàu, và rồi sau này làm quan có bổng lộc triều đình, mới có thể đủ ăn mà sống đến năm 70 tuổi.
          Chẳng hiểu ông Đác-Uyn người Anh, cha đẻ của thuyết tiến hóa có nghiên cứu về Gen di truyền "ăn" hay không, nhưng Tiên Châu ngày nay vẫn nổi tiếng là có nhiều người ăn khỏe. Tất nhiên bây giờ mà khoe ăn thì chẳng hay ho gì, vì người ta cứ hay quan niệm "miếng ăn là miếng nhục". Cũng chẳng ai dại gì tổ chức cuộc "thi ăn" vì "thóc đâu mà đãi gà rừng". Của đáng tội, bây giờ mà có khách Tiên Châu đến nhà chơi là cũng hơi lo khoản ăn. Đãi bôi thì người ta cười cho là keo kiệt, không mến khách, còn đãi thật thì một ngày khách ăn bằng cả tháng nhà ăn.
          Tôi cũng có một thằng vừa là bạn vừa là anh em họ xa bên bà nội tôi ở Tiên Châu. Tên cúng cơm là Lê Loáng, nhưng có biệt danh là Lê Như Cọp, vì sức ăn của hắn cũng mang Gen di truyền của tiền bối. Hắn ra nhà tôi chơi đúng đợt vợ con tôi đi nghỉ một tuần theo cơ quan vợ, chỉ có mình tôi ở nhà. Hôm đầu tiên hắn ra nhà, tiện gì ăn nấy, tôi thổi năm bơ gạo, luộc hai đĩa rau muống và mươi bìa đậu rán, kèm tí tôm rang. Có hai thằng mà sau bữa ăn, mọi thứ nhẵn như chùi, nồi cơm không còn sót một hạt, khiến con mèo Hoàng miêu nhà tôi một phen suýt chết đói. Buổi tối nằm gác chân nói chuyện, hắn chỉ xoa bụng, nói chuyện uể oải. Tôi bảo: "Mày còn đói à". Nó giả lời, không đói, nhưng chưa đã.
          Sáng sau, tôi nấu cả bịch mì ăn liền, loại mì cân MICOEM đóng gói 1 ký. Tôi chỉ chén hết một bát nhỏ, còn Loáng xơi sạch. Sau đó tôi rủ hắn ngồi hàn huyên, ôn đủ thứ chuyện, từ chuyện làng xã, chuyện mấy thằng bạn đi làm cửu vạn trên Lạng Sơn, đến chuyện giải bóng đá châu Âu. Tôi lấy cà-phê cho vào túi vải rồi bỏ vào ấm nấu lên như kiểu nấu cà-phê bit-tất, vì pha phin thì có mà đợi dài mặt ra cũng không kịp có để uống. Thằng Loáng uống cũng phi thường. Cả cái ấm cà-phê lít rưỡi, tôi chỉ làm một ly nhỏ, còn hắn uống hết. Cũng chả say hay cồn cào ruột gan gì hết. Thôi, bữa trưa nay phải nấu một mẻ cho ra hồn mới được.
          Tôi với nó cùng ra chợ. Tôi mua hai cân vó bò và nửa lít tương. Loại này rất hợp để kề cà, chưa no thì răng đã muốn tạm biệt hàm ra đi rồi. Tôi mua thêm nửa cân sườn, hai cân khoai sọ kèm mớ rau muống về nấu canh. Lại một chục củ su hào to và không quên mua lít rượu làng Vân Hà Bắc, thứ rượu nấu bằng sắn chảy rựa có gia giảm chút phân đạm đựng trong xăm ô tô. Về nhà tôi luộc tất su hào, nấu canh sườn khoai tây và thổi ba ký gạo. Chẳng cỗ bàn gì, nhưng khi bày ra nhìn, khéo đủ ăn cho hơn chục người. Đúng 11 giờ 30, hai thằng ngồi vào mâm. Tôi chỉ làm chén rượu nhỏ rồi nhẩn nha nhắm vó bò. Tôi bảo Loáng:" Thôi, có hai thằng, mày ăn gì cứ ăn, cơm tự xới cho nó tiện". Loáng gật đầu. Chúng tôi lại vừa ăn vừa nói chuyện. Loáng ăn khỏe mà nhanh. Tôi định bảo nó là "nhai kỹ no lâu", nhưng nhìn nó nhai như máy khâu, tôi nghĩ mình nhai chưa chắc đã nhuyễn bằng nó nên lại thôi. Sau nửa tiếng thì tôi chỉ nói chuyện đưa bữa, còn Loáng vẫn nhịp nhàng. Chợt nghĩ đến chuyện nàng dâu nhập hộ thời phong kiến, tôi cười trong bụng. Cô con dâu nào về nhà thằng Loáng này mà phải ngồi đầu nồi xới cơm cho bố chồng thì mỏi tay bằng đi tát nước một đêm trăng. Gần cuối bữa, tôi chợt nhớ ra vội gẩy muôi cơm làm suất ăn cho con Hoàng miêu thì Loáng cũng sới nốt chỗ cơm còn lại. Nó tổng động viên toàn bộ canh sườn, su hào còn lại cho vào bát, "soạt" ba nhát là kết thúc bữa. Đĩa vó bò cũng chỉ còn lại nửa cọng rau thơm, và chai "cuốc lủi rởm" cũng vất chỏng chơ góc mâm. "Đã chưa", tôi hỏi. Loáng gật đầu cười mãn nguyện. Tôi dọn dẹp qua loa, rồi hai thằng lăn ra ngủ.
          Buổi chiều tỉnh dậy tôi vơ vẩn nghĩ. Cứ cái điệp khúc này thì chỉ riêng đi chợ đã đủ mệt. Gạo thì không có vấn đề gì vì vợ tôi vừa gửi mua được dăm chục cân trên Điện Biên. Nhưng còn thức ăn, đã mua phải số lượng lớn, bữa nào cho bữa ấy chứ không để lâu được. Mà chả lẽ cứ hôm nào cũng sào với luộc, vì tôi cũng không giỏi khoản chế biến lắm. Tôi định bụng sẽ đãi hắn một bữa toàn thịt xem hắn ăn được bao nhiêu. Tôi chợt nhớ tới vận động viên thể hình Lý Đức. Nghe nói khi luyện tập ở cường độ căng, vị này phải xơi mỗi bữa hai con gà loại hai cân, cân rưỡi thịt nạc, ba chục quả trứng gà và hai nải chuối. Thế thì tôi đãi thằng Loáng này chưa được tới như thế. Tôi nhìn hắn ngủ, nghĩ thầm. Sao không có ai giới thiệu thằng này đi tập và thi đấu thể hình nhỉ. Được ăn như hoặc hơn Lý Đức, chắc năm nào nó cũng giành Huy chương Vàng giải Khu vực.
          Nghĩ vơ vẩn thế, nhìn đồng hồ đã gần 6 giờ tối. Bây giờ mà đi chợ chắc phải mua vét toàn của ôi. Tôi chợt nảy ra ý nghĩ. Sao mình không đưa nó đi ăn Buffet nhỉ. Dạng này là ăn khoán tự chọn, không hạn chế. Bây giờ ở Hà Nội cửa hàng ăn loại này mọc lên nhan nhản. Có khi thế lại hay.
          Thế là tôi lôi cổ nó dậy bắt đi tắm, rồi hai thằng đóng bộ lên đường. Đầu tiên tôi chọn cửa hàng Hoàng hậu Mariana trên phố Trấn Vũ, vì nghe nói ở đây tuy ít món, nhưng giá khá mềm, có 120 ngàn đồng một suất không kể đồ uống. Nhưng có hề gì, ít món mà lượng nhiều là được rồi, vì mục tiêu của chúng tôi là "ăn lấy được" chứ có cần thưởng thức phong cách ẩm thực gì đâu.
          Trên đường đi, tôi giảng giải cho Loáng một số điều căn bản. Trong tất cả các ngành thương mại, thì dịch vụ ăn uống là có tỷ lệ lãi cao nhất. Có thể đạt đến 40%, thậm chí là 60%. Có nghĩa là nếu mày bỏ tiền đi mua đồ rồi về nhà nấu hết có 4 đồng, thì cũng với lượng ăn như thế, ra cửa hàng phải trả 10 đồng. Điều này đã được qui định từ thời bao cấp xa xưa. Bây giờ các cửa hàng ăn loại Buffet người ta thu khoán một số tiền vào cửa. Sau đó, ở trong ấy mình muốn ăn gì trong những món họ bày thì ăn. Mục đích của khách là ăn được ngon và ăn càng nhiều món có giá trị càng tốt. Thường người ta chọn ăn các món có nhiều đạm như thịt, cá … , nhưng dù thế nào cũng không thể ăn bằng được với số tiền vào cửa. Có như thế cửa hàng mới có lãi chứ. Trong cửa hàng cũng có nhiều món bình dân loại rẻ tiền nhưng ăn chóng no như bánh mỳ, bánh cuốn, phở, bún riêu, thậm chí là ngô, khoai. Xơi độ dăm lát bánh mỳ với hai bát bún riêu thì no rồi, còn ăn gì khác được nữa. Trường hợp này thì khách chỉ ăn độ bẳng một phần năm  số tiền bỏ ra thôi, và cửa hàng càng lãi. Đại thể là như vậy, sau khi vào cửa rồi thì mày cứ "độc lập tác chiến", không phải nhìn ai.
          Lúc chúng tôi bước vào cửa hàng, chỉ có độ vài chục người. Cửa hàng này khá rộng, đủ chỗ ăn cho 200 thực khách. Trong khi những người khách khác xúm xít quanh các món ngao hấp, đuôi bò hầm đỗ đỏ, thịt bê thui, gà KFC … thì thằng Loáng tiến ngay lại chỗ bánh cuốn. Nó nhấc luôn cả hai đĩa loại tẩm hành và loại có quấn thịt, cùng một đĩa chả quấn trước sự nhạc nhiên của tay đầu bếp. Nhưng ăn là quyền của khách, chỉ cần không bỏ dở là được. Tôi bảo nó, sao mày lại ăn thế. Loáng cười, mày yên chí, chỗ mấy món thịt kia đang đông người, tao xơi cái này trước, đằng nào rồi cũng sang đó cơ mà. Biết Loáng ăn khỏe, tôi im lặng. Khi tôi vừa mới ăn xong bát súp cua với ngô xay khai vị, thằng Loáng đã xơi xong cả hai đĩa bánh cuốn và đĩa chả. Thấy nó nhìn quanh, tôi bảo:"Mày cứ để đĩa bẩn đấy, khắc có người dọn. Cứ ra mà lấy món khác đi". Nhoáng một cái, thằng Loáng đã đem về bàn một cục thịt bê to tướng, một đĩa gà KFC, một đĩa thịt nướng và mươi lát bánh mì, kèm một cục bơ to. Thấy bàn chỉ có hai thằng tôi, đám phục vụ bàn bắt đầu để ý. "Lấy nhiều thế kia mà không ăn hết thì chết với chúng ông", chắc chúng nó nghĩ vậy. Tôi cười thầm trong bụng, cầm lát bánh mì nhẩn nha ăn trong khi vừa nhìn Loáng ăn, vừa liếc xéo quan sát vẻ mặt từ nhạc nhiên đến nghệt ra của bọn phục vụ. Cả mấy đĩa thức ăn vậy mà Loáng cũng làm nhanh gọn trong mấy phút.
          Loáng lại ra quầy lấy đồ ăn. Lần này có cả một cậu phục vụ bám theo sau. Nó lại ôm về một lô thứ, và lại chén hết. Lại ra lấy tiếp. Hình như đến lúc này sự lao xao của đám phục vụ đã đánh động những khách ăn. Họ kín đáo xem Loáng ăn. Rồi tay quản lý cửa hàng cũng mò ra xem. Cuối cùng thì mọi người công khai xem Loáng ăn. Bây giờ thì trước mặt họ không phải là một kẻ phàm ăn tục uống, mà là một gã đang trổ tài ăn khỏe, và cửa hàng Hoàng hậu Mariana là nhà tổ chức bất đắc dĩ. Họ trầm trồ xem Loáng ăn, khoái trá đến mức bản thân họ không ăn mấy cũng thấy no. Lúc này có thêm rất nhiều khách đã vào cửa hàng và họ cũng bị đám đông xem ăn thu hút mà quên cả ăn. Loáng đã đảo qua hầu hết mọi món trong cửa hàng, điều mà hầu như không thực khách nào làm được nếu chỉ vào cửa hàng một lần, dù cho mỗi món chỉ ăn một miếng. Loáng cũng biết mọi người đang tò mò xem hắn ăn, nên hắn cũng tỏ thái độ như một đấu thủ đang trong một cuộc thi ăn, chẳng ngượng ngùng gì. Bốn bát chè đỗ đen kèm thạch có trộn nước cốt dừa đã kết thúc màn biểu diến ăn của Loáng. Nó đứng dậy lấy khăn lau miệng. Mọi người im lặng một lúc, rồi chợt vỗ tay hoan hô rào rào. Tay quản lý nhà hàng ứng xử cực kỳ linh hoạt, để tỏ ý là nhà hàng mong muốn khách ăn được nhiều, đã tiến tới bắt tay Loáng và trao cho nó một bó hoa không biết kiếm ra từ lúc nào.
          Chúng tôi ra về trong không khí hân hoan và náo nhiệt của đám đông thực khách. Về tới nhà, tôi pha ấm chè và hai thằng ngồi xem ti vi. Loáng có vẻ phấn khích ghê lắm. Nó bảo, Hà Nội có kiểu hàng ăn hay thật đấy. "Hay cái con khỉ", tôi gắt. "Toàn là khách thường thôi, chứ nếu ai cũng như mày thì các cửa hàng ăn loại này sập tiệm, bán xới". Thằng Loáng hê hê cười.
                ( Còn nữa)

2 nhận xét:

  1. Truyện rất lạ. Người ăn khỏe thời hiện đại sướng thiệt

    Trả lờiXóa
  2. Bữa trước mình viết rồi nay lại không thấy, chắc mình chưa đăng nhập. MQ bảo rằng MQ chỉ mong ăn khỏe thế để về Chí Linh chơi thăm, ST sẽ nấu rõ nhiều thứ mà MQ thì chén tì tì...

    Trả lờiXóa